Các dấu hiệu của viêm gan có thể biểu hiện qua một số biểu hiện trên cơ thể, đặc biệt là da và mắt.
- 4 thói quen khiến bạn dễ nằm trong tầm ngắm của gan nhiễm mỡ, nhiều người trẻ thích làm
- Người trẻ mắc viêm gan B có xu hướng tăng, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân không ngờ
Gan là cơ quan nằm sâu trong ổ bụng, đảm nhiệm chức năng: xử lý độc chất, chuyển hóa,.v.v. trong cơ thể. Khi gan bị tổn thương, nó có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác. Các dấu hiệu viêm gan thường “kín đáo”, biểu hiện rất ít hoặc không biểu hiện gì ra ngoài. Vì vậy, đợi viêm gan xuất hiện thì lúc đó đã muộn. Chúng ta cần chủ động nhận biết, xét nghiệm và tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Những dấu hiệu của bệnh Viêm gan B?
Bệnh nhân thường không có triệu chứng gì, bệnh thường diễn tiến âm thầm, nhiều người đã nhiễm virus gây viêm gan nhưng biểu hiện bên ngoài vẫn khỏe mạnh, ngay cả khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển.
Một số dấu hiệu gợi ý viêm gan B:
Vàng mắt, vàng da là dấu hiệu rõ ràng nhất khi gặp phải các vấn đề về gan. Nguyên nhân là do tăng bilirubin - chất thải có màu vàng được sinh ra từ mật và sẽ được xử lý tại gan. Viêm gan sẽ khiến bilirubin tích tụ trong nhiều máu, chất này tràn vào các mô như da và lòng trắng mắt, khiến chúng chuyển thành vàng.
Bụng căng chướng, phù tay chân: xảy ra do sự mất cân bằng protein dẫn đến tích tụ dịch. Trong một số trường hợp, dịch còn có thể tích tụ vào các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như tay hoặc chân do tích tụ dịch trong bụng.
Sốt vừa hoặc sốt nhẹ, mệt mỏi kéo dài.
Nước tiểu sẫm màu (màu nâu, cam đậm hoặc hổ phách). Tình trạng này xuất hiện do có lượng bilirubin dư thừa.
Mẩn ngứa cũng là một dấu hiệu chung để nhận biết các bệnh về gan, xảy ra do độc tố mà gan không thể lọc được.
Xuất hiện dấu sao mạch trên da: Dấu sao mạch giống như một mạng lưới các tiểu động mạch nhỏ hiện dưới sát bề mặt da. Nếu dấu sao xuất hiện ở nửa trên của ngực, tay, cổ và mặt, đó có thể là dấu hiệu của bệnh gan.
Khám thấy gan to vừa, căng chắc, ấn đau tức, lách to, cổ trướng…Đau cơ, đau khớp, nhất là đau tức hạ sườn phải, đau vùng hạ sườn phải: Hầu như đau hạ sườn phải đều liên quan bệnh lý về gan, chẳng hạn như xơ gan, ung thư gan… Cơn đau có thể nhói nhưng thường là cảm giác tức nặng, xuất hiện rồi biến mất. Nếu xuất hiện triệu chứng này thường xuyên và mức độ tăng dần, chúng ta cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt, để theo dõi chăm sóc.
Làm thế nào để phòng tránh viêm gan B?
Hiện nay, viêm gan B hiện đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan và ung thư gan tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa từ sớm bằng các biện pháp sau:
Tránh sử dụng chung đồ, vật dụng cá nhân có khả năng lưu lại máu
Các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, que nặn mụn, dao cạo râu, kềm cắt móng, v.v. là những vật dụng có nguy cơ lưu lại máu của người dùng. Tuyệt đối không dùng lại kim tiêm và bảo đảm tiệt trùng các dụng cụ phẫu thuật, xỏ khuyên, xăm mình, kim châm cứu, là những biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa bệnh viêm gan và các bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu khác.
Hạn chế lây nhiễm từ mẹ sang con
Trong thai kỳ, các mẹ bầu cần thực hiện đủ các xét nghiệm tiền thai kỳ đầy đủ để kịp thời phát hiện và phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B. Phát hiện sớm viêm gan siêu vi B trong thai kỳ giúp bác sĩ có kế hoạch điều trị và theo dõi kịp thời, tăng cao khả năng bảo vệ trẻ khỏi lây nhiễm siêu vi B. Trẻ nhỏ nếu được chẩn đoán có nguy cơ mắc viêm gan siêu vi B từ mẹ cũng sẽ được tiêm chủng và sử dụng thuốc kháng siêu vi theo chỉ định của bác sĩ ngay sau sinh.
Sử dụng bao cao su an toàn trong quan hệ tình dục
Việc sử dụng các loại bao cao su an toàn trong quan hệ tình dục không chỉ giúp phòng tránh viêm gan siêu vi mà còn phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục khác. Sau khi quan hệ tình dục, nếu nghi ngờ đối phương có những biểu hiện của viêm gan siêu vi, hãy đến những cơ quan y tế để theo dõi và điều trị kịp thời.
Xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường sức đề kháng của cơ thể
Hạn chế tương đối rượu bia, thuốc trong cuộc sống thường nhật, nên dùng với lượng vừa phải theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): 25ml/ngày (rượu 40 độ) và tuyệt đối không nên uống rượu, bia khi mắc các bệnh về gan. Hạn chế hay tốt nhất là không hút thuốc lá.
Dinh dưỡng hợp lý cân bằng các loại thực phẩm
Chúng ta cần bổ sung chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, ăn nhiều thực phẩm tươi, giàu chất xơ như rau xanh, trái cây. Cần tránh ăn chiên, giàu dầu mỡ, nướng, đặc biệt là uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2,5 lít/ngày).
Tăng cường hoạt động thể dục thể thao thường xuyên là một trong những phương pháp hợp lý vì thực hiện đơn giản, hiệu quả, không tốn kém, giữ cho cơ thể luôn được khỏe mạnh mỗi ngày.
Tiêm vắc-xin viêm gan B và khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng
Trẻ nhỏ và những người lớn chưa tiêm vắc-xin trước đó được khuyến cáo tiêm vắc-xin từ sớm để phòng ngừa viêm gan một cách hiệu quả nhất. Ở nước ta, được sự hỗ trợ của GAVI (Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng), vắc xin Viêm gan B được triển khai cho trẻ dưới 1 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên với 100% số huyện trên toàn quốc được bao phủ từ năm 2003 đến nay. Vì thế, những người trong giai đoạn sinh ra và lớn lên từ trước năm 2003, nếu chưa chủ động kiểm tra và chủng ngừa, cần đến cơ sở y tế kiểm tra và chủng ngừa đầy đủ. Bên cạnh đó, khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần để biết tình trạng của gan đồng thời sẽ được bác sĩ tư vấn tiêm phòng vacxin khi chưa bị viêm gan do virus hay điều trị kịp thời nếu mắc các bệnh về gan.
Viêm gan B hiện vẫn đang là một thách thức lớn đối với sức khỏe toàn cầu, mặc dù đã có nhiều biện pháp, nhiều thuốc được nghiên cứu và đang đưa vào điều trị. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị vẫn còn hạn chế, chúng ta vẫn chỉ đang kiềm chế sự phát triển của virus viêm gan B và làm chậm tiến trình xơ hóa của Gan. Nhận biết được dấu hiệu của bệnh Viêm gan B, khám sức khỏe định kỳ, áp dụng các biện pháp phòng tránh đã và đang là chìa khóa vàng cho lá gan khỏe mạnh. Hãy hành động ngay hôm nay vì một thế giới không có bệnh gan.