Thiếu máu là một triệu chứng gần như đi đôi với suy thận mạn (STM). Khó phát hiện giai đoạn sớm nếu không làm xét nghiệm kiểm tra vì triệu chứng thiếu máu thường không đặc hiệu, mơ hồ. Thiếu máu trong suy thận làm tăng tiến triển bệnh thận-tim, cũng như tăng tỉ lệ tử vong do tim mạch, suy giảm khả năng hoạt động tình dục, tăng tỷ lệ nhập viện... Vì vậy , việc phát hiện và điều trị thiếu máu sớm ở bệnh nhân suy thận là rất quan trọng.
Suy thận càng nặng, mức độ thiếu máu càng tăng
Có nhiều yếu tố gây thiếu máu trong suy thận mạn trong đó chủ yếu là do giảm sản xuất Erythropoentin (EPO)- chất có khả năng điều hòa tủy xương, kích thích sản sinh hồng cầu để tham gia vào quá trình tuần hoàn máu nuôi cơ thể. Do đó, khi thận bị suy, chức năng sản xuất EPO của thận bị giảm và thiếu máu là tình trạng bệnh này gặp phải. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như thiếu sắt, mất máu trong quá trình lọc máu; đời sống hồng cầu bị ngắn lại do tác động của bệnh suy thận mạn. Các nguyên nhân khác như ức chế tủy xương do độc tố ure, thiếu vitamin B12 và acid folic…
PGS, TS, BS Vũ Lê Chuyên, một chuyên gia giỏi chuyên môn về Tiết niệu - Thận học.
PGS, TS, BS Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết niệu- Thận học Việt Nam cho biết: “Thiếu máu tương ứng với mức độ suy thận, thận càng suy càng thiếu máu. Điều đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân suy thận mạn đều không biết mình đang bị thiếu máu vì thiếu máu tiến triển từ từ khiến cơ thể thích ứng được tình trạng thiếu máu này. Đây là một trong những nguyên nhân làm bệnh thận tiến triển nặng hơn, tăng tỷ lệ nhập viện do suy tim, đột quỵ và tử vong.”
Khi bị thiếu máu, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, niêm mạc có màu hồng nhạt, tim đạp nhanh, sức chịu đựng kém và khả năng tập trung giảm…Nếu có bệnh lý cơ quan nào khác đi kèm thì các triệu chứng của bệnh này sẽ biểu hiện nặng thêm.
Thiếu máu trong suy thận thường tiến triển chậm qua thời gian dài, nên dù thiếu máu mức độ nặng bệnh nhân vẫn chịu đựng được, không có triệu chứng hoặc ít. Một khi triệu chứng xuất hiện đầy đủ, bệnh nhân thường đã suy thân mạn giai đoạn cuối.
Phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả
Bệnh suy thân mạn là bệnh tiến triển âm thầm và qua nhiều năm tháng. Ở giai đoạn sớm bệnh không có triệu chứng nổi bật, chỉ khi mất đến 90% chức năng thận mới có triệu chứng.
BS Vũ Lê Chuyên nói thêm, việc phát hiện và điều trị thiếu máu sớm ở bệnh nhân suy thận mạn có thể làm giảm tiến triển của suy thận, chống suy tim, tăng sức đề kháng chống miễn nhiễm từ đó giảm nguy cơ tử vong. Ngoài ra còn giúp cải thiện cuộc sống của người suy thận mạn.
Nếu trước kia, giải pháp duy nhất để điều trị thiếu máu do suy thận mạn là truyền máu thì hiện nay chỉ định truyền máu trong STM rất hạn chế do tai biến của truyền máu, đặc biệt là kích thích kháng thể ảnh hưởng đến ghép thận sau này.
Tầm soát để phát hiện sớm, giúp điều trị hiệu quả
Hiện nay, loại thuốc có thể khắc phục những hạn chế của việc truyền máu một cách vượt trội được sử dụng rộng rãi trong y học là thuốc tạo máu, một tên gọi khác của các dẫn xuất của erythropoetin. Đây là thuốc có khả năng kích thích tạo hồng cầu, giúp điều trị thiếu máu so suy thận mạn mà bệnh nhân không cần truyền máu. Thuốc tạo máu được dùng ở nhiều giai đoạn bệnh thận khác nhau: trước khi lọc máu, đang lọc máu, đã được ghép thận nhưng thận ghép chưa hoạt động tốt.
Có ba nhóm thuốc tạo máu để điều trị thiếu máu do suy thậnmạn (ESA- Erythropoiesis stimulatinh agents – Thuốc kích thích sinh hồng cầu)với hàm lượng khác nhau gồm: ESA tác dụng ngắn, ESA tác dụng trun bình, ESA tác dụng kéo dài.
Ngoài việc sử dụng thuốc tạo máu, khi điều trị bệnh nhân cũng cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp, bổ sung đủ sắt, vitamin B12, axit folic,…
Sau khi được điều trị, người bệnh sẽ cảm thấy khỏe hơn, ăn ngon miệng, bớt khó thở, hoạt động của tim và cuộc sống tình dục được cải thiện nhiều, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân dù không chữa khỏi được bệnh thận.
Bác sĩ Vũ Lê Chuyên khuyến cáo, nhiều bệnh nhân không ý thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh tình. Không tuân theo chỉ định của bác sĩ, thường bỏ thuốc giữa chừng, không điều trị nghiêm túc bệnh rất dễ trở nặng và gặp phải các biến chứng không lường trước được. Nếu người bệnh có kiến thức về bệnh cũng như hiểu biết rõ hơn về tình trạng bệnh của bản thân thì có thể chủ động theo dõi tình trạng bệnh, làm chậm tiến triển suy thận và cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống.