Các chuyên gia cho rằng nhiều cơ sở làm đẹp tư nhân thường có cách “dụ” khách, quảng cáo rầm rộ để bán dịch vụ, trong khi các bệnh viện công vẫn đi sau rất xa.
- Thẩm mỹ viện, spa nở rầm rộ bác sĩ “chạy sô” kiếm tiền bỏ mặc tính mạng bệnh nhân?
- Vụ hút mỡ bụng cho thai phụ: Thẩm mỹ viện bị đình chỉ hoạt động
Thời gian qua, các sự cố, tai biến y khoa đều xảy ra tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân. Thực tế cho thấy đa số khách hàng lựa chọn làm đẹp tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân nhiều hơn các cơ sở y tế công lập.
Về vấn đề, PGS.TS.BSCKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho rằng hiện không có thống kê hay nghiên cứu nào chỉ ra thực trạng chị em “quay lưng” với phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện công.
Tuy nhiên, ông thừa nhận các thẩm mỹ viện tư nhân vẫn thu hút được nhiều khách hàng hơn so với bệnh viện công. Đó là do các yếu tố như đảm bảo sựriêng tư, nhanh gọn, tiện lợi, có thể trả giá, cơ sở sạch sẽ, khang trang.
Chuyên gia này lý giải đối tượng của phẫu thuật thẩm mỹ là những người không có bệnh. Do vậy, nhiều người đề xuất gọi đối tượng này là khách hàng, không phải bệnh nhân.
Phẫu thuật thẩm mỹ về cơ bản là một lĩnh vực kinh doanh, dựa trên nền tảng sử dụng nhân sự, kiến thức, dụng cụ, trang thiết bị y tế…Như vậy, có thể gọi đây là kinh doanh dịch vụ y tế. Do đó, khách hàng sẽ toàn quyền chọn lựa địa điểm, bác sĩ, nhân viên y tế mà họ cho là tốt nhất.
“Mặc khác, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tư thường rất tích cực tìm cách quảng cáo để bán dịch vụ của mình. Về điểm này, các cơ sở bệnh viện công dù đã cố gắng nhưng vì nhiều lý do, vẫn còn đi sau rất xa so với các cơ sở tư nhân”, PGS Tuấn nói.
Còn theo PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM hiện có khoảng 150 bệnh viện và phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh lĩnh vực làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện lại có khả năng “dụ” khách rất tốt.
“Họ được lòng khách hàng ở chỗ tiện lợi, dễ tư vấn. Ví dụ một người đến spa làm tóc, chăm sóc da, chủ tiệm khi đó bắt đầu giới thiệu thêm các dịch vụ không được cấp phép khác như tiêm filler, phun xăm thẩm mỹ, nâng mũi,…với giá rất rẻ. Ngoài ra, nhiều người cũng nghe lời giới thiệu từ người từng làm rồi mà không chịu tìm hiểu trước. Trong khi đó, ở các bệnh viện lớn, họ thường phải chờ đợi lâu hơn”, PGS Hùng nói.
PGS Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm hiện nay người dân thường chọn nơi làm đẹp có bác sĩ đang hoặc từng làm việc tại các cơ sở y tế lớn.
"Nhiều bác sĩ, cơ sở cố gắng để tạo cho mình cái ‘mác’ đẹp để quảng cáo, hành nghề. Để phân biệt được thật giả trong chuyện này đôi khi cũng không dễ dàng đối với người không có thông tin chuyên môn”, chuyên gia nói.
Về điều này, TS.BS Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ TP.HCM, Trưởng khoa Thẩm mỹ - Bệnh viện An Sinh TP.HCM, Giảng viên Đại học Y khoa, cho biết bác sĩ có thể hợp tác chuyên môn nhưng đó là phải cơ sở có giấy phép và có chức năng phẫu thuật. Đối với người không được cấp phép hành nghề thẩm mỹ, việc treo bảng quảng cáo, tư vấn cho khách hàng cũng là sai.