Nhiều bác sĩ liên tục “chạy sô” phẫu thuật thẩm mỹ dù chứng chỉ hành nghề không liên quan. Trước nhu cầu làm đẹp ngày càng nhiều tình trạng trên ngày càng phức tạp.
- Bác sĩ liên quan vụ tử vong ở Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas: Giả mạo chứng chỉ hành nghề?
- Sở Y tế TP.HCM xử phạt liên tiếp nhiều thẩm mỹ viện
Đụng đâu sai đó
Tại Hội nghị “Quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM năm 2019”, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thẳng thắn thừa nhận, thời gian gần đây có nhiều sự cố y khoa trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra trên địa bàn thành phố. Tai biến làm đẹp xảy ra ở cả cơ sở “chui” lẫn cơ sở được cấp phép.
Phân tích tình trạng trên, ông Tăng Chí Thượng cho rằng nhu cầu làm đẹp tăng cao, không chỉ người dân mà còn khách quốc tế cũng đến TP.HCM phẫu thuật thẩm mỹ. Vì vậy, cơ sở thẩm mỹ tăng nhanh khiến nhiều bác sĩ “chạy sô” bất chấp cơ sở đang làm không được cấp phép hoạt động.
Chưa hết, những thẩm mỹ viện còn hợp đồng với các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề song không thuộc lĩnh vực cho phép. Điều này rất nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tai biến làm đẹp.
Còn bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên,Trưởng phòng Y tế quận 10,TP.HCM thông tin, hiện quận có 65 phòng khám thẩm mỹ và 229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như spa, chăm sóc da. Đáng nói các cơ sở trên đều ký cam kết không thực hiện các dịch vụ vượt quá chuyên môn, song khi kiểm tra vẫn sai phạm.
Vị bác sĩ cũng chia sẻ, địa bàn quản lý đnag có số lượng cơ sở thẩm mỹ, spa nhiều nhất thành phố. Vừa qua, đoàn liên ngành quận đã xử phạt 14 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ với số tiền 400 triệu đồng. Những lỗi sai phạm như: tiêm filler (chất làm đầy), sử dụng thủ thuật ngoại khoa nhấn mí, cắt mí, phun, xăm chân mày…
Qua kiểm tra còn phát hiện thêm tình trạng bác sĩ làm ở các bệnh viện công lập, song không có giấy phép hành nghề ở các cơ sở khác. Một số thẩm mỹ, spa hợp đồng với bác sĩ có chứng chỉ hành nghề nhưng không thuộc chuyên ngành làm đẹp. Rồi cả việc bác sĩ cùng lúc kí nhiều hợp đồng với nhiều cơ sở thì đã vi phạm quy định.
“Lo ngại nhất là việc các cơ sở chăm sóc da thường quảng cáo dịch vụ vượt quá quy định, lại không đảm bảo an toàn về thiết bị kỹ thuật. Các dịch vụ sửa mũi, tiêm filler, nhấn mí, xăm mày... thực hiện nhanh, có khi chỉ 15-20 phút nên càng cố lách luật” bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên nói.
Chưa hết, các cơ sở gắn rất nhiều camera để làm “mắt thần” báo động khi có đoàn kiểm tra đến làm việc. Lúc này, các cơ sở sẽ dọn dẹp nhanh mọi thứ hoặc các cơ sở chui thì lén lút hoạt động ở các chung cư gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị thanh tra.
Kiếm tiền quên cả tính mạng bệnh nhân
Tại Hội nghị bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM cho rằng vấn đề hồ sơ bệnh án của khách hàng có nhiều điều cần lưu ý. Cụ thể, hồ sơ khách hàng tử vong liên quan đến làm đẹp ghi sơ sài, không đầy đủ. Khi đơn vị kiểm tra phát hiện giờ theo dõi, thăm bệnh nhân sau phẫu thuật 5 giờ/ lần vậy mà bác sĩ thuật lại trong báo cáo mỗi nửa tiếng. Chưa hết, hồ sơ bệnh án không cho khách hàng biết được mình đã làm đẹp vị trí nào và chi phí bao tiền.
Đại diện phía Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bác sĩ Lê Hành thừa nhận, ngành thẩm mỹ được xem một lĩnh vực để làm kinh tế. Bác sĩ thẩm mỹ kiếm được nhiều tiền khi làm các cơ sở tư nhân nên họ cố gắng “chạy sô” ký nhiều hợp đồng hợp tác ở nhiều nơi, song lại quên đi tính mạng khách hàng. Đáng nói, nhiều bác sĩ mới ra trường hoặc đang còn học đã bắt đầu hợp tác với những cơ sở làm đẹp và được quảng cáo như bác sĩ có 20 năm kinh nghiệm.
Trước tình trạng nhiều sự số làm đẹp khiến 2 phụ nữ tử vong trong vòng 1 tháng, việc bác sĩ “chạy sô” kiếm tiền, hút mỡ bụng cho cả phụ nữ mang thai… Sở Y tế vừa ký văn bản yêu cầu thanh tra toàn diện lĩnh vực trên địa bàn thành phố. Thời gian thanh tra kéo dài 1 tháng nhằm chấn chỉnh lại hoạt động thẩm mỹ để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho nhân dân.
Hiện TP.HCM có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và gần 1.400 cơ sở chăm sóc da, spa.
Thành phố vừa có thêm 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phun, thêu, xăm đã gửi thông báo đủ điều kiện về Sở Y tế, nhưng có đến 1.398 cơ sở chăm sóc da, thẩm mỹ, spa đang thực hiện quảng cáo tràn lan trên nhiều phương tiện khiến người dân dễ dàng tìm đến sử dụng dịch vụ.