Các chuyên gia y tế lý giải nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm và ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.
- Sốt xuất huyết 'hoành hành' đỉnh điểm, học ngay bí quyết dân gian 'đặt một bát nước này ở đầu giường, cả đêm muỗi không dám bén mảng tới'
- 7 dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết trở nặng, đi viện càng sớm càng tốt
Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 30.265 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Điều nhiều người quan tâm hiện nay là bệnh sốt xuất huyết đang ngày càng nguy hiểm hơn, bệnh không phát triển theo chu kỳ mà mùa nào trong năm cũng có ca mắc.
Chia sẻ trong tọa đàm "Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi & tiêm vắc xin dự phòng", bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh Viện Nhi Đồng 1, khi nhiệt độ tăng cao, muỗi sẽ có vòng đời dài hơn, bay được xa hơn, lây truyền và sinh sản nhiều hơn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận trong 10 năm qua, tại châu u, do sự nóng lên của trái đất cùng với sự thay đổi của độ ẩm và lượng mưa, vector gây bệnh đã tăng phạm vi địa lý, bằng chứng là chúng đã được tìm thấy ở nhiều khu vực hơn trước. Châu Mỹ cũng đang báo động về tình trạng tăng vọt các ca mắc sốt xuất huyết. Chỉ tính đến tháng 4/2024, khu vực này đã ghi nhận hơn 7,5 triệu ca mắc, cao gấp 3 lần so với năm 2023.
Thêm vào đó, PGS-TS-BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết thêm, biến đổi khí hậu còn khiến sốt xuất huyết hầu như xảy ra quanh năm. Nếu trước đây, cao điểm dịch thường là từ tháng 7 - 11 hằng năm thì hiện nay, bất kể mùa đông lạnh tại miền Bắc hay mùa khô ở khu vực phía Nam đều ghi nhận ca nhiễm sốt xuất huyết.
BS. Khanh còn cho biết tốc độ đô thị hóa quá nhanh hoặc quy hoạch không đồng bộ đã tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi trú ẩn và sinh sản.
Ngoài ra nếu sốt xuất huyết vốn được xem là bệnh chỉ xảy ra ở nơi khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, thì hiện nay bệnh đã du nhập vào châu u. Thực tế cho thấy, điều kiện giao thông, vận chuyển ngày càng thuận tiện đã tạo điều kiện khiến sốt xuất huyết có cơ hội lây lan rộng hơn.
Như nhiều loại virus khác, virus sốt xuất huyết cũng có khả năng biến đổi, trở nên khó dự đoán, khó phòng ngừa. Như tại châu u, WHO ghi nhận các vector gây bệnh có dấu hiệu tự thay đổi để thích nghi được với điều kiện thời tiết của khu vực này.
Hiện có 4 tuýp virus gây bệnh sốt xuất huyết, gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm một tuýp virus sẽ tạo nên miễn dịch gần như suốt đời với tuýp virus đó, tuy nhiên cơ thể chỉ có thể chống lại chính tuýp huyết thanh virus đó mà không có miễn dịch với các tuýp virus khác. Chính vì vậy, bệnh nhân có thể mắc sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời. BS. Khanh còn nhấn mạnh, trong lần nhiễm thứ 2, bệnh sẽ có nguy cơ trở nặng cao hơn trước.
Sai lầm khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng hơn
Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm, vì vậy, khi có các dấu hiệu lừ đừ, bứt rứt, bồn chồn, đau bụng, có hiện tượng chảy máu, khó thở, thở nhanh, nôn ói nhiều, trẻ bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi... cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện sớm, tránh để xảy ra biến chứng.
ThS. BS Hà Huy Tình, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, rất nhiều người nhầm tưởng rằng, hết sốt là khỏi bệnh. Thực tế, sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: Sốt; Nguy hiểm và Hồi phục. Phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng ở giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại.
Theo bác sĩ Tình, trong bệnh sốt xuất huyết, hết sốt là giai đoạn chỉ số tiểu cầu trong máu giảm mạnh, khiến cho tình trạng thoát huyết tương trở nên trầm trọng hơn, xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Nếu đợi có các triệu chứng như chảy máu cam, xuất huyết dưới da, phát ban, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Việc thăm khám muộn rất nguy hiểm, bởi giai đoạn sau sốt (từ ngày 3-7), bệnh bắt đầu diễn biến nặng, tiểu cầu suy giảm có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, miệng, mắt…), trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa… Đặc biệt, bệnh nhân có rối loạn đông máu, người có bệnh nền rất nguy hiểm gây máu cô đặc… có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Tình cho biết, thời gian qua, nhiều người vì chủ quan hết sốt là hết bệnh nên đã bị biến chứng, đến ngày thứ 3 bắt đầu có tình trạng chảy máu lợi ồ ạt mới tức tốc đến viện. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số tiểu cầu của bệnh nhân bằng 0, bắt đầu có dịch dạ dày.... Với bệnh nhân này nếu không nhập viện truyền tiểu cầu kịp thời có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết não… nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, bác sĩ khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt cao mà đang trong vùng dịch sốt xuất huyết hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, bạn cần đến viện thăm khám ngay để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng.
Phòng sốt xuất huyết như thế nào?
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chống dịch, BS. Thái đánh giá sốt xuất huyết hiện nay hầu như xảy ra quanh năm. Vì vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết chưa bao giờ là thừa, cần tận dụng các nền tảng mạng xã hội để phổ cập kiến thức phòng chống dịch thêm hiệu quả.
Cùng với đó, cần làm rõ những lầm tưởng về sốt xuất huyết cũng như loại bỏ tâm lý chủ quan của người dân; cả việc phòng chống dịch cũng cần được thực hiện xuyên suốt trong năm, chứ không chỉ tập trung vào mùa cao điểm như trước.
Ngoài ra, với kinh nghiệm nhiều năm giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, BS. Khanh cho rằng rất cần có giải pháp tiên tiến để phòng ngừa sốt xuất huyết chủ động hơn. Đồng thời, phải nắm bắt kịp thời các giải pháp này, giúp giảm thiểu tình trạng leo thang của dịch bệnh qua từng năm, từ đó giảm tải gánh nặng kinh tế - xã hội - y tế trong suốt nhiều năm qua.
Để phòng sốt xuất huyện, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt các điều sau:
- Che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.
- Thả các loại cá ăn lăng quăng, bọ nước (mesocyclops)… vào dụng cụ chứa nước.
- Sử dụng hóa chất để diệt lăng quăng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Lật úp các vật chứa nước, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa.
- Loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải có thể trở thành môi trường sống của muỗi.
- Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước định kỳ trong tuần.
- Sử dụng nước trực tiếp từ vòi hoặc bồn chứa có nắp đậy kín.