Bác sĩ chuyên khoa sơ sinh khuyến cáo nhiều nguy cơ đối với trẻ sơ sinh khi sinh ra không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhân trường hợp sinh con tại nhà ở TP.HCM khiến con tử vong.
Vừa qua, Khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận trường hợp bé gái sơ sinh nặng 3,1 kg được sinh ra tại nhà, con của sản phụ TNYN (sống ở quận 11, TP.HCM). Người nhà cho biết bé gái đủ tháng 39 tuần, được sinh vào lúc 0 giờ 50 phút ngày 9-11.
10 tiếng sau, người nhà phát hiện bé gái ngưng thở nên đưa vào BV cấp cứu lúc 10 giờ 40 phút cùng ngày. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận tình trạng bé gái ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ đã cố gắng hồi sức cho bé nhưng thất bại và đánh giá bé đã mất tại nhà. Điểm đặc biệt là bé chưa được cắt dây rốn còn kèm bánh nhau rắc muối đã khô.
“Trường hợp này khá đáng tiếc. Đây là một em bé sơ sinh đã đủ ngày tháng, đủ ký. Nếu sau khi sinh bé ra mà gia đình đưa bé vào một BV chuyên khoa nhi sơ sinh thì có thể phát hiện bệnh lý bất thường và có thể giữ được mạng sống cho bé” - đại diện BV chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này với PLO, BS CKII Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa sơ sinh BV Từ Dũ (TP.HCM), cho biết trẻ sơ sinh gặp rất nhiều nguy cơ khi sinh ra. Nguy cơ lớn nhất là trẻ không tự thở được.
Theo thống kê, trong 100 em bé sinh ra thì có 10 em bé không tự thở được. Trong 10 bé sẽ có một bé lâm vào tình trạng rất nặng, cần hồi sức chuyên sâu của bác sĩ. Do đó, các bà mẹ sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế rất dễ “đẩy” con vào tình huống nguy hiểm.
Khi sinh tại nhà, bánh nhau cũng xổ ra ngoài, tiếp xúc với môi trường có thể làm vi trùng sinh sôi, đưa ngược vào dây rốn gây nhiễm khuẩn cho bé, rất nguy hiểm.
Ngoài ra, mặc dù người mẹ có khám thai, siêu âm đầy đủ thì các thao tác này không thể phát hiện hoàn toàn các bất thường bẩm sinh ở trẻ sơ sinh như bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý đường hô hấp bẩm sinh.
"Bản thân cơ địa bé sơ sinh, sinh non miễn dịch chưa đầy đủ nên rất dễ nhiễm khuẩn. Khi sinh tại bệnh viện, trong vòng 24 giờ đầu, trẻ sơ sinh sẽ được chích ngừa vitamin K1 phòng ngừa xuất huyết não, màng não và viêm gan B” - BS Từ Anh cho biết.
Bên cạnh đó, thông thường sản phụ sinh thường được giữ lại BV theo dõi ba ngày và năm ngày đối với sinh mổ. Sở dĩ mẹ và bé cần được theo dõi trong vòng vài ngày vì trẻ sơ sinh chuyển từ đời sống trong tử cung ra ngoài có thể gặp phải nhiều biến chứng sau cuộc sinh mà không lường trước được.