Nhập viện cấp cứu trong tình trạng vỡ ối sớm, sản phụ Phạm Thị Ngọc Mai (ngụ tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) sinh bé trai nặng 5 kg trong tâm trạng vừa mừng vừa sợ hãi.
- Sản phụ mang thai đôi vỡ tử cung, mất con vì lý do này
- Sản phụ Việt tự mang bồn nước đến bệnh viện để sinh con
Sau ba ngày nhập viện cấp cứu, sản phụ Phạm Thị Ngọc Mai (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa thể tin mình có con trai nặng đến 5 kg.
Trao đổi với Zing.vn, chị Mai cho hay những ngày qua hai vợ chồng cùng gia đình sống trong tâm trạng vừa vui mừng vừa lo âu, sợ hãi. "Nhìn thấy con trai chào đời bụ bẫm, tôi thấy mừng vui lắm nhưng tinh thần cũng lo âu, hoảng hốt vì cơ thể nó to lớn kỳ lạ", sản phụ chia sẻ.
26 tuổi, người mẹ này đã trải qua hai lần vượt cạn đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm. Tháng 9/2017, trong lần mang thai đứa con đầu lòng đến 39 tuần tuổi thì bỗng dưng ngã bệnh cảm, sốt cao hơn 40 độ và tụt huyết áp.Trước tình thế nguy hiểm, gia đình cấp tốc đưa chị đến Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy thai bé gái đầu lòng, con của vợ chồng chị Mai cân nặng đến 4,1 kg.
Ba năm sau, người mẹ mang thai lần 2 nhập viện cấp cứu trong tình trạng vỡ ối sớm, thai nhi 37 tuần, có triệu chứng bệnh tiểu đường thai kỳ. Nhóm y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phúc Hưng (Quảng Ngãi) đã quyết định tiến hành phẫu thuật lấy thai. Bé trai lọt lòng nặng 5 kg, sớm hơn kế hoạch ba tuần. Đây là trẻ sơ sinh chào đời được ghi nhận cân nặng nhất từ trước đến nay tại Quảng Ngãi.
"Khác với thời điểm mang thai đầu, lần này tôi ăn uống ít hơn nhưng trọng lượng cơ thể nặng đến 74 kg (tăng hơn 14 kg so với bình thường). Đặc biệt, khi thai được 7 tháng, con quẫy đạp nhiều khiến tôi mệt mỏi, tiểu đêm, mất ngủ thường xuyên. Con trai chào đời cân nặng đến 5 kg khiến gia đình ai cũng giật mình, hoảng hốt", chị Mai thổ lộ.
Các bác sĩ cho biết hiện tượng trẻ sơ sinh tăng trưởng quá mức là hậu quả của tăng vận chuyển glucose từ mẹ vào thai. Lượng glucose này đã kích thích tụy của thai nhi bài tiết insulin, làm tăng nhu cầu năng lượng, kích thích thai phát triển.
Khoảng 3-7% phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ. Bệnh có thể gây nhiều nguy hiểm cho mẹ và con nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận.
Về lâu dài, các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch. Người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn bình thường.
Những thai phụ có nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đây là phương pháp được sử dụng trong chẩn đoán tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường, được thực hiện giữa tuần thai 24 và 28. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp bảo vệ an toàn cho tính mạng của mẹ và bé.