Chỉ khi có hệ thống miễn dịch tốt thì bạn mới có thể bảo vệ được sức khỏe của mình. Tuy nhiên, rất nhiều người đang có những thói quen không tốt đối với hệ miễn dịch.
- Viện trưởng Viện dinh dưỡng chia sẻ 3 cách tăng cường miễn dịch phòng ngừa bệnh Covid-19
- Chuyên gia hiến kế giúp tăng cường miễn dịch trong thời điểm virus Corona gây viêm phổi cấp hoành hành
Giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát, làm thế nào để có sức đề kháng mạnh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn tránh được loại virus nguy hiểm này.
Ngoài việc tập luyện, có chế độ ăn uống hợp lý để tăng cường sức đề kháng, có những thói quen không tốt đối với hệ miễn dịch bạn cần đặc biệt tránh để bảo vệ sức khỏe.
1. Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi
Theo nghiên cứu, tâm lý căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng miễn dịch. Những người thường xuyên bị stress sẽ dễ bị bệnh hơn những người khác.
Theo các chuyên gia, khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra cortisol và adrenaline, các hormone làm giảm số lượng tế bào bạch cầu lympho và phagocyte. Do đó, những người bị căng thẳng thường xuyên sẽ khó có thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus.
Mặt khác, căng thẳng còn kéo theo một loạt các thói quen không tốt đối với hệ miễn dịch như hút thuốc, uống rượu, thiểu ngủ, ăn uống không khoa học. Tất cả những điều này góp phần làm suy yếu hệ miễn dịch.
2. Thức khuya
Theo khuyến cáo của bác sĩ, mỗi người nên đảm bảo ngủ đủ giấc, từ 7 - 8 tiếng mỗi tối. Khi ngủ, cơ thể sẽ giải phóng ra các cytokine. Đây là một loại protein có tác dụng chống viêm và nhiễm trùng.
Do đó, khi bạn không được nghỉ ngơi đầy đủ, quá trình sản sinh ra chất cytokine sẽ bị ảnh hưởng. Điều này đồng nghĩa với việc bạn khó có khả năng chống lại các loại bệnh tật.
Tổ chức National Sleep cho biết, sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ có thể phá vỡ đồng hồ sinh học, ức chế hormone điều hòa giấc ngủ melatonin và cản trở thời gian nghỉ ngơi của cơ thể. Vì vậy, bạn nên để tinh thần thoải mái, không sử dụng điện thoại, tivi hay các thiết bị điện tử khác trước khi đi ngủ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ một cách tốt nhất.
3. Không tiêm vacxin cúm
Các nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy, tiêm vacxin sẽ giảm khoảng một nửa nguy cơ mắc bệnh cúm.
Tiêm phòng sẽ tạo ra các kháng thể. Nếu vô tình tiếp xúc với virus, bạn sẽ không bị nhiễm bệnh hoặc nếu có cũng chỉ gặp phải các triệu chứng cúm thông thường. Điều này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các đối tượng là phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 50 tuổi và những người hay mắc các vấn đề sức khỏe về đường hô hấp như hen suyễn.
4. Lười vận động
Nếu tập luyện đều đặn, dù cường độ cao hay vừa phải, khả năng miễn dịch của bạn cũng được cải thiện đáng kể. Quá trình tập luyện sẽ kích thích sản sinh các kháng thể và tế bào bạch cầu tạo điều kiện cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh một cách hiệu quả. Hơn nữa, nhiệt độ cơ thể tăng khi tập thể dục còn góp phần ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và tiêu diệt mầm bệnh.
Vì thế, khi bạn lười vận động, cơ thể sẽ không sản sinh các kháng thể cần thiết, dẫn đến khả năng miễn dịch kém hơn những người khác.
5. Uống rượu, hút thuốc
Thói quen uống rượu sẽ làm phá vỡ hệ vi sinh vật trong đường ruột, tiêu diệt các lợi khuẩn, khiến vi khuẩn có hại đi vào máu, dẫn tới viêm gan. Khi gan hoạt động không hiệu quả, khả năng loại bỏ các mầm bệnh trong cơ thể cũng giảm theo.
Tương tự như rượu, hút thuốc lá là một trong những thói quen không tốt đối với hệ miễn dịch. Các hóa chất trong huốc lá ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi. Khi hút thuốc, cơ thể sẽ tiết dịch nhầy, làm hẹp đường thở và khiến cho phổi tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Để có hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp phòng tránh virus corona, bạn cần loại bỏ ngay những thói quen xấu này.