Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư, chuyên gia chỉ rõ độ tuổi cần đi tầm soát

Sống khỏe 14/04/2018 05:20

Người trẻ tuổi nên thay đổi suy nghĩ "ung thư là căn bệnh của những người lớn tuổi", bởi căn bệnh này vốn không chừa một ai.

Người bệnh thông minh là người phát hiện và đi tầm soát sớm ở Bệnh viện

Dù tiền sử gia đình không có người thân bị bệnh ung thư vú, nhưng do thường xuyên được tiếp nhận thông tin tuyên truyền, bệnh nhân T.T.H (nữ - 27 tuổi – Hưng Yên) đã tự khám vú tại nhà. Chị đã sớm phát hiện bất thường trên cơ thể.

Rất nhanh chóng, bệnh nhân tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. May mắn, kết quả sinh thiết cho thấy khối u của bệnh nhân lành tính và có thể dễ dàng điều trị.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư, chuyên gia chỉ rõ độ tuổi cần đi tầm soát - Ảnh 1

Người bệnh thông minh là người phát hiện và đi tầm soát sớm ở Bệnh viện.

"Qua những phương pháp được chia sẻ trên sách vở và internet, khi ở nhà, tôi đã tự kiểm tra và thấy dấu hiệu vú bất thường. Sau đó, tôi lên BV tỉnh siêu âm, cho kết quả xơ nang tuyến vú.

Vì chưa tin vào kết quả này nên tôi đã lên Viện K để khám lại. Bác sĩ cho biết tôi bị xơ nang lành tính. Việc đi khám sớm khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Mỗi năm chị em nên đi khám định kỳ 2 lần, vì nếu có phát hiện bệnh sớm thì cũng rất dễ chữa trị", chị H nói.

TS.BS Nguyễn Diệu Linh – Phó trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện K cũng là người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân H. cho hay: "Thực tế cho thấy, tỉ lệ người trẻ tuổi đến khám bệnh ngày một đông lên. Đó có thể là thành quả của chương trình tầm soát và tuyên truyền của ngành y tế cũng như của ngành ung thư trong thời gian vừa qua.

Trường hơp bệnh nhân H. cho thấy hiểu biết của người dân hiện nay cũng được nâng cao, họ trở thành những người chủ động phát hiện bệnh và tự đến các cơ sở y tế để thăm khám, sàng lọc".

Theo nhận định của nhiều chuyên gia hàng đầu về ung bướu, ung thư vú ở đối tượng trẻ, tiên lượng sẽ xấu hơn rất nhiều. Do vậy, quá trình điều trị và đáp ứng sẽ khó khăn hơn, thời gian phục hồi sau điều trị sẽ đem lại những gánh nặng cho bản thân người bệnh cũng như cho các bác sĩ theo dõi và điều trị.

Bởi điều trị ung thư là một chặng đường rất dài, chứ không kết thúc khi người bệnh đã ra khỏi bệnh viện. Đây là một thực tế rất khó khăn, vì thế các bạn trẻ cần hiểu và trang bị cho mình tâm lý để chữa bệnh đạt được thành công.

"Chúng tôi nhận thấy, chị em phụ nữ từ 20 – 30 tuổi đi khám bệnh rất đông, thậm chí tăng đột biến so với trước đó. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc ung thư vú vẫn rơi vào đỉnh điểm, từ ngoài 40 tuổi trở đi chứ không phải rơi vào lứa tuổi trẻ.

Thế nhưng, tỉ lệ mắc ung thư vú trẻ hóa có tăng hơn so với thời gian trước", BS Nguyễn Diệu Linh cho biết thêm.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư, chuyên gia chỉ rõ độ tuổi cần đi tầm soát - Ảnh 2

TS.BS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa ngoại bụng I – BV K nhấn mạnh độ tuổi cần tầm soát ung thư

Nhóm độ tuổi nhất định cần tầm soát ung thư

Một trong những điều kiện quan trọng nhất để điều trị ung thư đem lại hiệu quả cao chính là việc phát hiện và tầm soát sớm.

TS.BS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa ngoại bụng I – BV K cho hay: "Như chúng ta biết, ung thư nói chung và một số mặt bệnh ung thư dạ dày, phổi… theo các nghiên cứu kinh điển trước đây hay gặp ở độ tuổi trên 50 tuổi, con số mắc cao ở đội tuổi 60 – 70.

Tuy nhiên, thực tế lâm sàng cả nước nói chung và BV K nói riêng cho thấy, xu hướng trẻ hóa bệnh nhân ung thư bắt đầu có biểu hiện tăng lên.

Chúng tôi đang làm công tác nghiên cứu thống kê, sớm cho kết quả ban đầu và đưa ra một con số có sức thuyết phục để chứng minh là sự trẻ hóa trong bệnh lý ung thư trong vòng nhiều năm trở lại đây".

Trước thực tế, cơ cấu bệnh tật đang ngày càng trẻ hóa. Câu hỏi lớn đặt ra cho ngành y nói chung và ngành ung thư nói riêng, làm sao để phát hiện sớm nhất ung thư ở người trẻ tuổi?

"Trước đây, độ tuổi trên 40 chúng ta mới bắt đầu sàng lọc, còn bây giờ chúng ta nên sàng lọc ở tuổi 30 hoặc sớm hơn nếu có thể.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư, chuyên gia chỉ rõ độ tuổi cần đi tầm soát - Ảnh 3

Tầm soát càng sớm càng tốt, bởi chẩn đoán ung thư sớm vẫn là chìa khóa vàng cho điều trị ung thư

Hoặc ở những người có yếu tố nguy cơ cao như: Nhiễm vi khuẩn Hp, tiền sử trong gia đình có người mắc ung thư trước đó, những người trẻ béo phì, ít vận động.

Tôi cho rằng nhóm tuổi 20 - 30 là nhóm tuổi trẻ nên sàng lọc ung thư sớm. Thực tế, nhóm độ tuổi này tiếp xúc các yếu tố tiêu cực khách quan nhiều nhất, sức khỏe dễ bị tác động.

Nên tầm soát càng sớm càng tốt, bởi chẩn đoán ung thư sớm vẫn là chìa khóa vàng cho điều trị ung thư", TS.BS Phạm Văn Bình nhấn mạnh.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư, chuyên gia chỉ rõ độ tuổi cần đi tầm soát - Ảnh 4

Khi thấy khó nuốt và các triệu chứng này, hãy cảnh giác với căn bệnh ung thư thực quản

Người trẻ tuổi nên thay đổi suy nghĩ "ung thư là căn bệnh của những người lớn tuổi", bởi căn bệnh này vốn không chừa một ai.

Chính vì thế, ngoài duy trì lối sống lành mạnh, mỗi người còn là bác sĩ của chính mình, tự bản thân nhận ra những thay đổi bất thường trên cơ thể để có thể tầm soát phát hiện bệnh sớm nhất tại các cơ sở y tế.

Mặc dù ngành ung thư đã có nhiều tiến bộ trong việc tầm soát, phát hiện cũng như chẩn đoán và điều trị, làm giảm tỉ lệ phát hiện muộn từ 60 – 70% xuống còn 40% trong những năm gần đây.

Tuy nhiên thách thức từ số lượng bệnh nhân ung thư được phát hiện mới cũng không có dấu hiệu thuyên giảm, vẫn là bài toán khó và gánh nặng cho xã hội, đặc biệt khi bệnh nhân 20 – 30 tuổi còn đang ở độ tuổi học tập và lao động.

Bất ngờ trước những dấu hiệu cảnh báo ung thư từ 2-5 năm, ai cũng cần phải biết để cứu lấy chính mình

Bất kỳ dấu hiệu khác thường nào của cơ thể dù là nhỏ nhất, bạn cũng cần hết sức cẩn trọng. Trong nhiều trường hợp, nó có thể là triệu chứng sớm cảnh báo bệnh ung thư nguy hiểm.

TIN MỚI NHẤT