Hơi thở có mùi luôn là điều khiến bao người phải e ngại và bối rối trong giao tiếp. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện những nguyên tắc sau tại nhà thì có thể phần nào giảm bớt nỗi sợ này đáng kể.
- Đánh răng đều đặn mỗi ngày mà vẫn hôi miệng là do bạn chưa làm việc này
- Những loại đồ ăn bạn nên và không nên ăn để tránh hôi miệng
Đánh răng cẩn thận
Mùi hôi hơi thở xuất hiện có thể là do một phần thức ăn còn sót lại trong khoang miệng. Chính lượng thức ăn này khi bám lại trên răng sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi, từ đó gây mùi hôi miệng. Cách đơn giản nhất để giảm bớt mùi hôi miệng ngay lúc này là chải răng thật kỹ hai lần/ngày, đồng thời dùng chỉ nha khoa thường xuyên để làm sạch kẽ răng ít nhất một lần/ngày. Bên cạnh đó, hãy đi khám răng định kỳ hai lần/năm để được kiểm tra và làm sạch răng đúng cách.
Làm sạch lưỡi
Bề mặt lưỡi chính là nơi các vi khuẩn có hại tích tụ và sinh sản, do đó, nó cũng chính là một nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng. Tuy nhiên, có rất nhiều người lại thường chủ quan bỏ qua công đoạn vệ sinh lưỡi khi đánh răng nên khiến lượng vi khuẩn còn bám lại ở lưỡi.
Vậy nên, khi đánh răng thì bạn nên nhớ sử dụng cả dụng cụ cạo lưỡi để làm sạch lưỡi hiệu quả, đồng thời tham khảo ý kiến của các nha sĩ để được tư vấn cách làm sạch lưỡi phù hợp.
Hạn chế ăn những loại thực phẩm gây mùi
Các loại thực phẩm liên quan đến hành như hành lá, hành tây, hành tím... hay là tỏi, rau mùi... cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng hôi miệng. Mặt khác, đồ ngọt cũng là loại thực phẩm làm gia tăng lượng vi khuẩn trong khoang miệng, từ đó gây ra mùi hôi khó chịu. Do đó, để tránh gặp phải vấn đề hôi miệng thì bạn nên hạn chế ăn những loại thực phẩm này để bảo đảm không gặp phải nỗi lo mùi hôi khó ngửi.
Uống nước thường xuyên
Trong nước bọt có chứa vi khuẩn, nhưng lại đi kèm với công dụng rửa trôi vi khuẩn trong khoang miệng hiệu quả. Vậy nên, nếu miệng bạn bị khô, tiết ra ít nước bọt thì vi khuẩn sẽ có cơ hội tích tụ nhiều, từ đó phát sinh ra mùi hôi.
Để giảm khô miệng và rửa trôi vi khuẩn ngay tức thì, bạn nên uống nhiều nước hơn, tối đa khoảng 2 - 2,5 lít nước/ngày. Tuy nhiên, cũng không cần phải uống quá nhiều nước một lúc mà có thể chia nhỏ từng ngụm và uống thường xuyên trong ngày sẽ mang lại hiệu quả giảm mùi hôi miệng cao hơn.
Thay bàn chải đánh răng mới
Chiếc bàn chải đánh răng quá cũ cũng là một nguyên nhân gián tiếp gây nên mùi hôi miệng. Chính vì quá cũ nên phần lông bàn chải sẽ không mang đến hiệu quả cao trong việc làm sạch thức ăn và mảng bám trên răng, do đó dễ lây lan vi khuẩn cũng như gây ra mùi khó chịu. Lúc này, bạn cần chú ý tới việc thay bàn chải định kỳ khoảng 2 - 3 tháng/lần để việc chải răng đạt hiệu quả cao và vi khuẩn gây hôi miệng không còn là nỗi lo.