Mít vốn chứa nhiều nguồn dưỡng chất tuyệt vời lại có hương vị thơm ngon, tuy nhiên nếu ăn không đúng cách thì vô tình mít sẽ trở thành thứ gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể của bạn.
- Thay đổi thói quen ăn uống để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19
- Uống nước trong 3 khoảng thời gian này có thể đem đến lợi ích vàng cho sức khỏe
Cứ mỗi độ vào hè là các loại trái cây thơm ngọt lại có dịp lên ngôi từ cả đường ăn đến đường uống. Trong đó, mít cũng là một món được rất nhiều người yêu thích với mùi thơm đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại trái cây nào. Thế nhưng, nhiều người vẫn khá e ngại khi thưởng thức vì lo ăn mít bị nóng trong, đầy bụng, làm nổi nhiều mụn nhọt trên da. Kèm theo đó, vì thời tiết nắng nóng kéo dài nên mọi người lại càng không dám ăn mít nhiều.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), mít chứa nguồn vitamin C dồi dào nên giúp tăng cường hệ miễn dịch trong mùa hè. Đồng thời, nó còn chứa nhiều nguồn dinh dưỡng thực vật khác như ignans, isoflavones, saponins nên có đặc tính chống ung thư và lão hóa. Nguồn vitamin A có trong mít cũng rất tốt để bảo vệ cho đôi mắt và làn da, từ đó ngăn ngừa các bệnh liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng, quáng gà...
Dù chứa nhiều chất dinh dưỡng là thế nhưng PGS.TS Lâm cũng nhắn nhủ mọi người không nên ăn quá nhiều, bởi mít có hàm lượng đường cao nên dễ gây tăng đường huyết đột biến, làm xuất hiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt. Do đó, bạn cần lưu ý 3 điều sau khi ăn mít trong mùa hè để tránh gây hại sức khỏe bản thân.
Nên ăn bao nhiêu múi mít trong 1 ngày là vừa đủ?
Theo các chuyên gia nhận định, mít có thể khiến bạn gặp phải một số vấn đề về sức khỏe khi ăn nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên kiêng bỏ mít hoàn toàn. Hãy ăn mít với một lượng vừa đủ trong ngày, tuân thủ đúng quy tắc ăn và ăn đúng cách thì chẳng lo mít gây hại gì cho cơ thể.
Chính PGS.TS Lâm cũng nhấn mạnh rằng, bạn không nên ăn nhiều mít cùng một lúc. Vì ăn quá nhiều mít trong một thời điểm có thể làm lượng đường trong máu tăng cao, gây nóng gan, hại thận. Mỗi ngày, chỉ nên ăn khoảng 80 - 100gr mít (tương đương khoảng 4 - 5 múi) là đủ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý không ăn mít khi bụng đang trống rỗng, tốt nhất nên ăn sau bữa chính khoảng 1 - 2 tiếng và không ăn vào tầm chiều tối hoặc tối.
Những đối tượng nào không nên ăn mít?
Một số nhóm người sau không nên ăn mít để tránh gây hại sức khỏe:
- Người hay nổi mụn nhọt, rôm sảy.
- Người có cơ địa nóng trong.
- Người hay bị đầy bụng, khó tiêu.
- Người bị thừa cân, béo phì.
- Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tiểu đường.
- Người bị suy nhược thể lực, sức khỏe kém.
Ăn mít như thế nào để không gây nổi mụn, nóng trong?
Với những người có cơ địa dễ nổi mụn, hay bị nóng trong thì sau khi ăn mít nên bổ sung thêm nhiều nước và ăn nhiều rau xanh để làm dịu mát cơ thể. Bình thường, bạn có thể lơ là nhưng khi đã ăn mít thì tốt nhất nên uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước và bổ sung thêm 200 - 300gr rau xanh trong ngày để tránh tối đa nguy cơ nổi mụn nhọt do ăn mít.
Đặc biệt, trong lúc ăn mít, bạn cũng có thể ăn kèm thêm với một số loại trái cây mát khác để cung thêm lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý những quả mít dai thường dễ bị cứng nên hãy nhai thật kỹ để tránh gây khó tiêu, hại dạ dày.