Dầu ăn cung cấp cho cơ thể axit béo thiết yếu, vitamin... tuy nhiên dầu ăn có đặc điểm này thì không nên dùng.
- Say rượu kéo dài gây ảnh hưởng đến tuổi tác và giới tính: Vì sao phụ nữ dễ say hơn nam giới?
- 7 lợi ích sức khỏe của hạt chia chị em nên tham khảo ngay
Để món ăn được tròn vị và hấp dẫn hơn, trong gian bếp của người Việt bao giờ cũng đầy đủ các gia vị như dầu ăn, mắm muối, hạt nêm. Trong đó, dầu ăn có rất nhiều loại khác nhau, thông dụng nhất là dầu đậu nành, dầu hạt cải.
Dầu ăn không chỉ giữ vai trò như một dung môi của các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A,D, E, K. Mà chúng còn cung cấp nhiều axit béo thiết yếu, giúp cơ thể tăng trưởng và khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên không phải loại dầu ăn nào cũng lành mạnh để tiêu thụ, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo nên tránh sử dụng một số loại dầu ăn có hại dưới đây.
2 loại dầu ăn hại gan, gây ung thư mà người Việt rất thích
1. Dầu thực vật được làm thủ công kém chất lượng
Trên thị trường hiện có nhiều loại dầu thực vật tự ép, được quảng cáo rằng 100% nguyên liệu thiên nhiên, không chất bảo quản, hoàn toàn làm bằng tay nên rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, các bà nội trợ cần cân nhắc khi lựa chọn dầu tự ép, vì dầu ăn nếu không đảm bảo quy trình sản xuất sạch sẽ thì rất nguy hiểm. Hơn nữa, các loại dầu này không thể bảo quản được lâu, nếu bạn bảo quản không đúng cách thì dầu sẽ nhanh bị hỏng. Lúc này, aflatoxin rất dễ hình thành, đây là một độc tố nấm mốc, có thể gây hại cho gan thận, và thậm chí là gây bệnh ung thư gan.
Ngoài aflatoxin, phospholipid, benzo(a)pyrene và dư lượng thuốc trừ sâu cũng có thể xuất hiện trong dầu ăn tự ép do quy trình sản xuất dầu thủ công không thể lọc được các chất này. Như vậy sẽ gây hại cho sức khỏe người dùng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia), việc sử dụng các loại dầu thực vật không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, được sản xuất kém vệ sinh thì khả năng gây ung thư sẽ cao hơn. Hơn nữa, việc bảo quản dầu thực vật không đúng cách, để dầu nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp, nơi nhiệt độ cao hoặc không đậy kín cũng khiến chất lượng dầu bị ảnh hưởng.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyên người tiêu dùng nên sử dụng là các loại dầu có thương hiệu nổi tiếng, có bao bì rõ ràng và đã được kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng.
Nếu lựa chọn dầu tự ép thì nên chọn lựa các cơ sở uy tín, có quy trình sản xuất sạch sẽ. Đảm bảo nguyên liệu chế biến dầu ăn còn tươi ngon chứ chưa bị hỏng mốc. Nên chọn các loại dầu chịu nhiệt cao như dầu gạo, dầu đậu nành, dầu hướng dương để khi chế biến thực phẩm không bị cháy khét nhanh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
2. Dầu ăn đã chiên, rán nhiều lần
Theo Viện Dinh Dưỡng, các loại dầu ăn, mỡ khi chiên rán ở nhiệt độ cao (thường trên 180 độ C) sẽ xảy ra các phản ứng hóa học, sinh ra các chất aldehyt, chất ôxy hóa... đều là những chất rất có hại cho sức khỏe.
Số lần nấu lại càng nhiều thì lượng chất độc hại sinh ra càng nhiều. Trong những chất độc hại đó, có những chất bay hơi ra không khí, gây ô nhiễm không khí, người hít phải cũng độc hại. Có chất lại lắng lẫn vào trong dầu, mỡ thấm vào thức ăn, người ăn vào rất hại cho sức khỏe.
Khi ăn phải chất độc hại trong dầu, mỡ này có thể thấy các triệu chứng: chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, thở khó, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, người mỏi mệt, ăn nhiều trong thời gian dài có thể bị ung thư.
Dầu, mỡ nấu ở nhiệt độ cao nhiều lần còn làm cho các vitamin tan trong dầu như vitamin A, E bị phá hủy, làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu.
Muốn tránh tác hại nói trên, các gia đình phải hạn chế nhiệt độ cao, không để vượt quá 150-180 độ C, muốn vậy không để cho dầu, mỡ bốc khói khi nấu. Đồng thời, không nên dùng dầu, mỡ đã qua rán nhiều lần để tránh tác hại với sức khỏe. Hạn chế ăn các món ăn nướng, bỏ lò vì ở nhiệt độ lò nướng rất cao, dầu mỡ sẽ bị biến chất, độc hại.