Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 75.000 phụ nữ mắc ung thư nhưng các dấu hiệu ban đầu rất mơ hồ nên dễ bị bỏ qua.
- Lở loét, chảy mủ do đắp thuốc trị ung thư vú
- Uống nhiều sữa đậu nành có dẫn đến bị ung thư vú không: Đây là phân tích từ chuyên gia
Ung thư ở nữ chiếm 45%
GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, cũng như nam giới, các bệnh ung thư phụ nữ thường mắc là ung thư đại trực tràng, phổi, dạ dày và gan. Hàng năm, ung thư ở phụ nữ chiếm 45% (75.000/165.000 ca) trong tổng số ca ung thư ở Việt Nam.
Tuy nhiên, loại ung thư phổ biến và liên quan nhiều đến yếu tố giới tính chính là ung thư vú và ung thư phụ khoa gồm ung thư cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, âm đạo và ung thư âm hộ.
Trong đó, ung thư vú và phụ khoa đã chiếm tới trên 1/3 (34%) số ca mắc ung thư ở nữ, riêng ung thư vú có hơn 15.000 ca, xếp vị trí 146/185 quốc gia, vùng lãnh thổ (số liệu WHO 2018).
Theo thống kê trên thế giới, tuổi càng cao, khả năng mắc ung thư vú càng lớn, trong đó dưới 10% ung thư vú xảy ra trước tuổi 40, 25% xảy ra trước tuổi 50 và trên 50% xảy ra sau 50 tuổi.
Tuy nhiên, căn bệnh này tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hoá. Trong y văn thế giới, ghi nhận rất hiếm ca mắc ung thư vú dưới 20 tuổi, song tại Việt Nam đã điều trị cho rất nhiều trường hợp mới 18-22 tuổi.
Dù vậy, so với nhiều loại ung thư khác, tiên lượng điều trị ở ung thư vú khá tốt. GS Thuấn cho biết, ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi. Trong đó việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít, tỉ lệ sống thêm 10-25 năm rất cao. Bằng chứng, rất nhiều bệnh nhân ung thư vú đã lập gia đình, sinh con khoẻ mạnh, sống thêm nhiều chục năm.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn 0-1, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú lên tới 100%, giai đoạn 2, có tới 93% bệnh nhân sống khoẻ sau 5 năm, tỉ lệ này ở giai đoạn 3 là 72% và ở giai đoạn 4 chỉ còn 22%.
Đáng mừng, hiện nay ung thư vú và ung thư cổ tử cung đều đã có các chương trình sàng lọc, phát hiện sớm.
Những dấu hiệu chị em cần nghĩ tới ung thư
GS Thuấn cho biết, hầu hết các bệnh nhân ung thư không nhận thấy các triệu chứng ung thư, hoặc có thể bỏ qua, cho rằng chúng ít nghiêm trọng.
Nhưng khi các triệu chứng dưới đây kéo dài hơn 2 tuần, chúng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú hoặc phụ khoa và chị em cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, tư vấn và chẩn đoán:
- Đau hoặc đỏ vú, tụt núm vú, da vùng vú bị lồi lõm, co kéo bất thường.
- Chảy dịch vú, thay đổi màu sắc trên da của vú, một bên vú dày chắc hơn bên kia.
- Có hạch nách hoặc hố thượng đòn.
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, thay đổi thói quen tiểu tiện.
- Xuất huyết hoặc chảy dịch âm đạo bất thường.
- Đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục, đau vùng xương chậu.
Để phát hiện sớm ung thư vú, chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất, tập cho mình thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư khi qua tuổi 40, thay vì 45 tuổi như trước kia.
Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị, em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2, tuổi có kinh sớm, không sinh con,…), nên đi khám, tầm soát sớm hơn.
Ngày nay, các cơ sở y tế đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư dễ dàng và khả thi hơn như chụp nhũ ảnh (Mammography) và MRI cho ung thư vú, phiến đồ âm đạo 'PAP test' và HPV test cho ung thư cổ tử cung, FOB test và nội soi cho ung thư đại trực tràng, chụp CT liều thấp cho ung thư phổi…
“Trên hết, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các chị em nên tiêm vắc xin ngừa HPV, phòng virus gây u nhú, ung thư cổ tử cung trong độ tuổi từ 9 – 26, tiêm vắc xin phòng viêm gan B (HBV), tránh xa thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, tập thể dục thường xuyên và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều rau quả, ngũ cốc, hạn chế đường, tinh bột, đồ chiên, xào, thực phẩm đóng hộp...”, Giám đốc BV K khuyến cáo.