Để nói một cách đơn giản thì đây là một tư thế có khả năng cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19, được ghi nhận tại nhiều bệnh viện trên thế giới. Tuy nhiên, lợi bất cập hại, có những trường hợp không nên áp dụng.
- Từ ngày 7/3, lần đầu sau 36 giờ Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19
- Thêm 21 bệnh nhân xuất viện, Việt Nam có 198 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh
10/4, bác sĩ Mangala Narasimhan nhận được cuộc gọi khẩn cấp. Một người đàn ông ngoài 40 tuổi nhiễm Covid-19 đang trong tình trạng nguy kịch, và các đồng nghiệp muốn cô đến khoa chăm sóc tích cực tại bệnh viện Do thái Long Island (Mỹ) để xác định xem liệu bệnh nhân có cần dùng đến máy trợ thở hay không.
Narasimhan đồng ý. Nhưng trước khi đi, cô đề nghị các bác sĩ ở đó thử đặt bệnh nhân nằm sấp xuống, xem tình hình liệu có cải thiện hơn không. Và rốt cục, cô không cần phải đi nữa, vì tình trạng người bệnh chuyển biến tốt hơn hẳn.
Đây cũng không phải trường hợp duy nhất bệnh nhân nhiễm Covid-19 được đặt nằm sấp. Trên thực tế, nhiều bệnh viện đã ghi nhận với những trường hợp bệnh nặng, tư thế nằm sấp sẽ làm tăng lượng oxy có thể tiếp nhận cho phổi - nơi vốn đang không hoạt động bình thường được do hệ quả từ virus.
"Chúng tôi đang cứu mạng người nhờ nó, chắc chắn 100%," - trích lời Narasimhan giám đốc khu vực chăm sóc tích cực của Northwell Health - tổ chức sở hữu 23 bệnh viện tại New York. "Chỉ cần một thao tác đơn giản, tình hình sẽ được cải thiện đáng kể. Chúng tôi đã thấy nó xảy ra trên mọi bệnh nhân áp dụng."
"Khi bạn thấy nó có hiệu quả, bạn sẽ muốn áp dụng nhiều hơn, và đều cho tác dụng ngay lập tức," - trích lời bác sĩ Kathryn Hibbert, giám đốc khoa chăm sóc tích cực tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts.
Tư thế cứu người
Bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới thường tử vong do biến chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Đây cũng là hội chứng cướp đi sinh mạng của nhiều người nhiễm cúm, viêm phổi và các căn bệnh tương tự.
Năm 2013, nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy, bệnh nhân bị ARDS nặng, phải dùng đến máy thở có tỉ lệ tử vong thấp hơn nếu họ được nằm sấp trong quá trình điều trị. Cũng kể từ đó, các bệnh viện tại Mỹ ít nhiều đã áp dụng tư thế này đối với những bệnh nhân gặp phải chứng suy hô hấp từ nhiều căn bệnh khác nhau.
Trong đại dịch lần này, tư thế nằm sấp được áp dụng nhiều hơn hẳn so với trước, và nó cho hiệu quả đáng kinh ngạc. Như trường hợp người bệnh ở Long Island kể từ lúc được nằm sấp, nồng độ bão hòa oxy (chỉ số đo oxy trong máu) tăng từ 85% lên 98% - một bước tăng rất lớn.
Các bệnh nhân dùng máy thở sẽ phải nằm sấp khoảng 16h/ngày. Thời gian còn lại họ nằm ngửa để nghỉ ngơi, và cũng để các bác sĩ có thể đánh giá khả năng hô hấp của phổi có thể trở lại bình thường hay chưa, rồi đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Theo các chuyên gia y tế thì tư thế này có tác dụng là do nó giúp oxy tới phổi dễ hơn, bởi lẽ khi nằm ngửa, trọng lượng cơ thể sẽ vô tình đè lên một số bộ phận của phổi. "Tư thế nằm sấp sẽ mở ra một con đường mới cho phổi, thứ vốn bị che lấp khi ta nằm ngửa," - Hilbbert cho biết.
Sấp hay ngửa? Lợi bất cập hại
Tuy nhiên theo CNN, các bác sĩ khi quyết định bệnh nhân đang thở máy nằm sấp hay ngửa vẫn cần phải cân nhắc kỹ. Những người bệnh cần máy thở khi nằm sấp sẽ cần đến nhiều thuốc mê hơn, và điều này vô tình kéo dài thời gian họ cần được chăm sóc tích cực. Tại bệnh viện đa khoa Mass, chỉ 1/3 số bệnh nhân thở máy phải nằm sấp, và đó phải là người có triệu chứng nặng nhất, đồng thời phải đảm bảo được hưởng lợi ích lớn nhất từ tư thế này.
Tuy nhiên tại một số bệnh viện, người bệnh dù không nặng đến mức phải thở máy và chăm sóc tích cực vẫn được áp dụng tư thế nằm sấp. Như bệnh viện đa khoa Mass, họ có nguyên một đội y tá "nằm sấp", mỗi ngày tới động viên bệnh nhân đổi tư thế. Do tư thế này sẽ gây khó chịu với người bình thường không gây mê, các y tá khuyến khích thay đổi luân phiên sau mỗi 4h.
"Hầu hết đều sẵn lòng thử," - Hibbert cho biết. "Dù vậy, họ nằm được trong tư thế ấy bao lâu thì phụ thuộc vào mỗi người. Nếu họ ngủ thoải mái trong tư thế ấy thì không sao, nhưng có người sẽ thấy chán và muốn nằm ngửa ra."
Quay trở lại với nghiên cứu năm 2013 tại Pháp, kết quả nghiên cứu chỉ đến từ quan sát trên các bệnh nhân thở máy. Vậy nên, hiện tại không rõ hiệu quả của tư thế này là đến đâu đối với các trường hợp bệnh không quá nặng.
Trung tâm y tế ĐH Rush (Chicago) cũng đang thực hiện một nghiên cứu, để xem liệu tư thế nằm sấp có hiệu quả với nhóm người bệnh không quá nghiêm trọng để phải thở máy xâm lấn, nhưng đủ nặng để cần thở oxy. Theo David Vines - chủ tịch khoa học tim phổi của ĐH Rush cho biết trong thử nghiệm ban đầu, các bệnh nhân được yêu cầu nằm với các tư thế khác nhau.
"Chúng ta sẽ xem liệu tư thế này có hiệu quả hay không, và chúng ta nên để bệnh nhân nằm vậy trong bao lâu," - Vines chia sẻ.