Thông thường, bạn có thể không nghĩ đến việc làm vệ sinh bàn chải bởi vì mỗi ngày bạn đều rửa nó cùng với nước trước mỗi khi chải răng. Tuy nhiên, việc vệ sinh bàn chải thường xuyên là điều cực kỳ quan trọng mà bạn nên làm ngay.
- Rước cả ổ bệnh vào nhà chỉ vì để những thứ này trong phòng tắm
- Đừng xem thường: Những thói quen sử dụng bàn chải đánh răng sai be bét thế này khiến cơ thể rước hàng loạt ổ bệnh
1. Cọ rửa bàn chải
Bạn nên chà rửa bàn chải đánh răng dưới vòi nước sạch trong vòng 1-2 phút để loại bỏ mảng bám sau khi đánh răng. Nếu bạn đang mắc một hội chứng rối loạn miễn dịch, sau khi rửa bàn chải cùng nước, bạn nên ngâm bàn chải vào trong dung dịch nước súc miệng diệt khuẩn trong vòng vài phút.
2. Làm sạch sâu bàn chải
Hiện nay, tại các siêu thị, bạn có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm tiệt trùng bàn chải đánh răng. Tốt hơn hết là bạn nên chọn các dụng cụ có tích hợp chức năng diệt khuẩn bàn chải bằng tia cực tím để loại bỏ các khuẩn vi sinh gây hại tốt hơn.
3. Bảo quản bàn chải đúng cách
Sau mỗi lần chải răng, bạn không nên cất bàn chải còn ướt trong tủ thuốc, ngăn kéo hoặc ly súc miệng cùng các bàn chải khô khác. Hãy đặt bàn chải ở nơi khô ráo và thoáng mát (trên giá hoặc móc treo bàn chải riêng) để tránh ẩm mốc và ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn sinh sôi.
4. Thay bàn chải định kỳ
Bạn nên thay bàn chải thường xuyên mỗi 3-4 tháng hoặc khi bạn thấy bàn chải bị mòn. Khi các sợi lông bàn chải bị sờn, chúng sẽ khó có thể làm sạch các kẽ răng và nướu một cách chính xác.
5. Không dùng chung bàn chải
Hãy lưu ý điều này: Bàn chải đánh răng là vật dụng cá nhân. Do đó, bạn không nên chia sẻ hoặc cho bất kỳ ai mượn dùng bàn chải của mình, kể cả đối với người thân yêu hoặc các thành viên trong gia đình. Việc dùng chung bàn chải có thể gây truyền nhiễm vi khuẩn cùng nước bọt, thậm chí dẫn đến sâu răng. Sâu răng cũng thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm, đây cũng là một lý do khác khiến bạn không nên dùng chung bàn chải.