Ngộ độc rượu dễ gây hôn mê sâu, thậm chí là tử vong. Vì thế phát hiện được những dấu hiệu ngộ độc rượu và cách xử trí sẽ hỗ trợ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp.
- 4 dấu hiệu khó chịu trên cơ thể ngầm cảnh báo thận đang cầu cứu: "Ép" thận quá đà, cái giá phải trả sẽ cực đắt
- 6 dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cần phẫu thuật ngay
Báo động tình trạng ngộ độc rượu bia
Hiện tượng ngộ độc rượu được hiểu là tình trạng tiêu thụ lượng rượu bia quá nhiều trong thời gian ngắn. Dấu hiệu thể hiện ở mức độ nặng hay nhẹ tùy từng trường hợp. Với những người bị ngộ độc rượu nhẹ có thể xử trí tại nhà nhưng trường hợp nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp và hệ tuần hoàn có thể gây tử vong.
Thời gian vừa qua, tình trạng ngộ độc rượu do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc có dấu hiệu gia tăng. Đáng chú ý tại tỉnh Đồng Nai vào tháng 10 vừa qua, chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 8/10 đến 14/10) đã xảy ra vụ ngộ độc rượu lớn làm 17 người có biểu hiện nôn, ói, lơ mơ nên phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Trong số đó, 3 người đã tử vong do ngộ độc rượu.
Cũng trong 10/2021, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương đã có báo cáo sơ bộ kết quả điều tra nghi ngờ ngộ độc thực phẩm của 12 trường hợp, trong đó chủ yếu là ngộ độc rượu. Đáng chú ý, qua thời gian điều trị đã có 3 người tử vong, trong đó có 2 người nghi do ngộ độc rượu. Được biết, loại rượu được các bệnh nhân sử dụng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua ở cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ hoặc được tặng, cho.
Tương tự, từ những bệnh nhân ngộ độc rượu, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã phát hiện nhiều loại rượu giả, rượu trôi nổi, rất nhiều loại cồn sát trùng rởm chứa nồng độ cao methanol trên thị trường. Qua mỗi trường hợp phát hiện, Bệnh viện Bạch Mai đều thông báo cụ thể tới các cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa phần những trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần) trôi nổi ngoài thị trường.
Điều đáng nói, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu. Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. Mặt dù được điều trị tích cực, song tỷ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan...
Triệu chứng cảnh báo ngộ độc rượu bia
TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra những cảnh báo về ngộ độ rượu.
Đối với người ít uống rượu, các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính từ nhẹ đến nặng.
- Ban đầu người ngộ độc rượu thường kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều.
- Chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.
- Nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, sững sờ.
- Hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), tụt huyết áp, hôn mê.
- Truỵ tim mạch, tử vong.
Đặc biệt, Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh mọi người cần chú ý các biểu hiện ngộ độc nặng, nguy hiểm:
- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật.
- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.
- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.
- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai. Bên cạnh đó, nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.
Bất tỉnh, thở khò khè, mặt tím tái,... là những dấu hiệu của ngộ độc rượu (Ảnh: BVCC)
Cách sơ cứu và phòng tránh ngộ độc rượu
TS. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chỉ ra một số cách sơ cứu khi bị ngộ độc rượu.
- Nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh: nằm nghiêng sang một bên.
- Thở yếu, ngừng thở: hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện và điều kiện có tại chỗ.
Trong trường hợp người ngộ độc rượi bị co giật:
- Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng.
- Quan sát kỹ người bệnh, nếu thở yếu, ngừng thở hoặc tím tái thì hô hấp nhân tạo.
Bác sĩ Nguyên lưu ý, nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng, nguy hiểm nêu trên thì gọi vận chuyển cấp cứu, nhân viên y tế gần nhất, người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế.
Trường hợp bệnh nhân tỉnh táo và có thể ăn uống thì nên cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết, đồng thời cho uống nhiều nước bù điện giải để tránh tình trạng mất nước
Để tránh tình trạng ngộ độc rượu, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được. Phụ nữ càng không nên uống rượu vì khả năng chịu đựng với rượu thường kém hơn nam giới.
Hiện nay, trên thị trường bán nhiều loại rượu khác nhau, có cả rượu trôi nổi chứa cồn công nghiệp methanol, gây ngộ độc cho con người. Trên thực tế, bằng mắt thường và các giác quan không thể nào phân biệt được rượu thường và cồn công nghiệp.
Cách tốt nhất để tránh ngộ độc rượu có chứa cồn công nghiệp (methanol), trước khi uống rượu cần biết chắc chắn nguồn gốc xuất xứ của rượu dựa vào tem mác, nhãn hiệu chống hàng giả, mã vạch...