PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cảnh báo phải hết sức chú ý bệnh sởi đang quay trở lại. Tại BV Nhi Trung ương vẫn tiếp nhận trẻ mắc sởi, ho gà nhập viện vì chưa tiêm phòng.
- Hàng loạt người lớn mắc sởi, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch
- Ho khan 10 ngày, bác sĩ bất ngờ thông báo bị ung thư phổi
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế), trong năm 2018 ghi nhận 553 sởi trong 862 trường hợp sốt phát ban.
Trong số này có 162 trường hợp chưa đủ tuổi tiêm chủng (chiếm 29,8%); đã tiêm ít nhất được 1 mũi sởi: 84 trường hợp chiếm 15,2 %; các trường hợp còn lại đều chưa được tiêm phòng hoặc người lớn không nhớ rõ tiền sử tiêm phòng.
Với bệnh ho gà phát hiện 82 trường hợp mắc tại 28 quận huyện, giảm 46 trường hợp so với cùng kì năm 2017 (128/1). Trong đó có 33/82 (40%) trường hợp chưa đến tuổi tiêm chủng, 46/82 trường hợp chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh Ho gà do chưa đến kì tiêm hoặc đi tiêm chủng muộn do ốm (chiếm 35,5%).
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, với bệnh sởi, ho gà phải hết sức lưu ý. Tại BV thời điểm hiện tại khoảng 20 bệnh nhân mắc sởi đang nằm điều trị. Ông đặc biệt nhấn mạnh các bệnh viện phải lưu ý chống lây truyền trong bệnh viện.
"Chỉ một bệnh nhân phát ban dạng sởi nếu nằm trong phòng bệnh, tất cả các em bé trong phòng sẽ là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, lây nhiễm chéo sẽ càng gia tăng số bệnh nhân mắc bệnh", PGS Điển cảnh báo.
Đặc biệt với bệnh ho gà điều trị tại BV chủ yếu tập trung ở nhóm trẻ chưa tiêm phòng dưới 3 tháng tuổi. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nặng, gia tăng áp phổi, cố trường hợp đã phải sử dụng phương pháp ECMO (tim phổi nhân tạo) mà không qua khỏi.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng lo ngại "kịch bản" sởi có thể quay lại năm 2014 nếu không quyết liệt trong công tác tiêm chủng.
"Tại nhiều nước trên thế giới, dịch sởi quay lại đều rơi vào nhóm đối tượng không tiêm chủng. Việt Nam cũng vậy, không quyết liệt dịch sẽ quay trở lại, nặng nề như năm 2014. Bởi dù số lượng tiêm vắc xin sởi đạt đến 90%, chỉ 10% còn sót không tiêm chủng, tích lũy trong 4- 5 năm số trẻ không được tiêm đã gần bằng số trẻ sinh ra trong một năm và đây chính là yếu tố khiến sởi xảy ra", PGS Phu giải thích.
Vì thế, Bộ Y tế đã có chỉ đạo tiêm chiến dịch sởi trong tháng 12 và quý 1 năm 2019. "Mục tiêu làm sao tuyên truyền để những trẻ trước chưa được tiêm, chưa từng tiêm giờ phải đi tiêm phòng. Nếu làm không tốt, số trẻ này vẫn sót lại, nguy cơ dịch sởi xảy ra vẫn rất lớn", PGS Phu nói.
Bệnh sởi cũng đang diễn biến phức tạp không riêng miền Bắc mà cũng ghi nhận các ca mắc sởi ở miền Nam. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn.
Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi có 628 trường hợp mắc (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi có 1.106 trường hợp (37,8%). Có 399 trường hợp đã được tiêm chủng (chiếm 13,6%), còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (1.302 trường hợp, chiếm 44,5%) và không rõ tiền sử tiêm chủng (1.227 trường hợp, chiếm 41,9%).
Sởi là một bệnh lây truyền nhanh chóng. Trước đây khi chưa có vắc xin phòng sởi, đây là một trong những bệnh siêu vi gây thương vong và biến chứng hàng đầu ở trẻ nhỏ trên thế giới.
Tỷ lệ tấn công lâm sàng của sởi gần 100%, có nghĩa hầu như ai nhiễm vi rút đều có biểu hiện bệnh và có sự lây lan mạnh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm hiện nay. Vì thế, nếu không có miễn dịch chủ động, nhiễm vi rút sởi là chắc chắn bị bệnh.
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%.Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.