Thông thường chỉ có trẻ em dưới 14 tuổi mắc bệnh sởi. Tuy nhiên gần đây, số ca bệnh sởi ở người lớn lại gia tăng, trong khi nhiều người lại chủ quan không nghĩ “lớn rồi còn bị sởi”.
- Mùa đông thường xuyên phải đi tất, hãy làm những điều này để ngăn ngừa chứng hôi chân
- Bất kỳ ai cũng phải nhớ rõ những điều này để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa đột quỵ khi trời lạnh đột ngột
Nguy hiểm vì mang thai mắc sởi
Chị Nguyễn T.T.H (30 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội) mang thai ở tuần thứ 24 đang phải điều trị bệnh sởi tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai). Chị H cho biết, chị bị sốt cao 2 ngày, đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán mắc sởi. Anh Phùng Văn Đức, chồng bệnh nhân H cho biết, khi nhập viện, vợ anh bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban ở mặt và người. Dù biết bệnh sởi có thể phòng được bằng vaccine nhưng trước khi mang thai chị H “quên” tiêm vaccine phòng bệnh. PGS - TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, bệnh nhân H bắt đầu xuất hiện biến chứng viêm phế quản, nên phải được theo dõi tại bệnh viện.
"Để phòng lây nhiễm sởi ra cộng đồng, cần cách ly bệnh nhân mắc sởi bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh, nhất là đối tượng trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai nên được tiêm đúng lịch, đủ liều” - PGS Đỗ Duy Cường
Một bệnh nhân khác là chị Nguyễn T. T (37 tuổi, Hà Nội) là nhân viên y tế. Trước khi nhập viện, gia đình và người nhà chị T không có ai mắc sởi, nên chị nghi mình bị nhiễm sởi do tiếp xúc với bệnh nhân tại bệnh viện. Chị T cho hay, chị chỉ có các triệu chứng ho, sốt cao thông thường, sau đó xuất hiện các nốt phát ban trên mặt và người, đi khám mới biết mình đã mắc sởi. Điều đáng nói là chị T cũng không tiêm phòng sởi.
PGS - TS cảnh báo, trong thời gian gần đây số ca mắc sởi ở người lớn đang có xu hướng tăng lên tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi tháng có khoảng chục trường hợp. Riêng tại khoa Truyền nhiễm, (Bệnh viện Bạch Mai) từ năm 2018 đến nay điều trị cho khoảng 50 trường hợp mắc bệnh sởi, nhưng 3 tháng trở lại đây, số ca nhập viện do sởi có xu hướng tăng lên.
“Theo số liệu thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số mắc và nghi sởi năm 2018 là 5100 trường hợp, tăng mạnh so với năm 2017. Trong những tuần đầu tiên của năm 2019, số ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng, nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra theo chu kỳ 4-5 năm” – PGS Cường nói.
Hiện khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai hàng ngày vẫn tiếp nhận bệnh nhân mắc sởi và đang điều trị cho 6 trường hợp sởi có biến chứng, trong đó có một số phụ nữ đang mang thai. Hầu hết bệnh nhân đều không được tiêm phòng, nhất là những phụ nữ mang thai không chủ động tiêm phòng sởi trước khi có thai.
Dễ bùng phát dịch trong Tết
PGS Cường chia sẻ, mùa đông xuân thời tiết lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus sinh sôi và phát triển, trong đó có virus gây bệnh sởi. Hiện không chỉ có sởi mà nhiều dịch bệnh như cúm, thủy đậu, quai bị… cũng xuất hiện trong thời tiết lạnh, ẩm như hiện nay.
Đối tượng có nguy cơ mắc sởi là những người có tiếp xúc với nguồn lây, phụ nữ mắc sởi nhiều hơn nam giới, chủ yếu phụ nữ trong độ tuổi từ 25-40 tuổi. Nguy hiểm là nhiều người mắc sởi mà không biết. Có những trường hợp đi khám bị chẩn đoán nhầm là dị ứng thuốc, sốt phát ban, rubella… Hoặc nhiều người dân cho rằng đây là bệnh của trẻ con và người lớn không mắc sởi, nên không có các biện pháp phòng bệnh.
Theo PGS – TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông, bệnh sởi xảy ra tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu trong đó có một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực vào mùa xuân và xâm nhập vào nước ta.
Riêng về bệnh sởi, Tổ chức Y tế thế giới đang cảnh báo sự gia tăng đáng kể dịch bệnh sởi tại các nước châu Âu trong nửa đầu năm 2018. Riêng trong 6 tháng đầu năm tại các nước châu Âu đã ghi nhận hơn 41.000 trường hợp mắc sởi, cao hơn 70% so với cả năm 2017, trong đó có ít nhất 37 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có số mắc cao hoặc gia tăng cục bộ tại một số địa phương, cùng với thời tiết mùa xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp tết và mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như sởi, ho gà, tay chân miệng…