Người mẹ không thể ngờ chai nước nhỏ bé mà con gái sử dụng mỗi ngày chính là nguyên nhân của mọi dấu hiệu bất thường.
- Nửa tiếng phải thay băng vệ sinh 1 lần, chảy máu kinh nguyệt nhiều đến nỗi ngất xỉu: Bác sĩ chẩn đoán người phụ nữ mắc 2 bệnh nguy hiểm
- Cô gái bị đau bụng, máu kinh nguyệt màu đen, đến phòng khám mới biết có dị tật ở "vùng kín"
Mới đây, khi xuất hiện trong chương trình "Doctor Is Hot" của Đài Loan, bác sĩ chuyên khoa Thận - Hồng Vĩnh Tường đã kể về một trường hợp bệnh vô cùng đặc biệt. Hôm đó, có một người phụ nữ đến phòng khám và hỏi: "Thưa bác sĩ, liệu uống nước có khiến bệnh viêm da cơ địa của trẻ tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn không?"
Theo lời kể của người phụ nữ này, chị có 1 cô con gái năm nay 10 tuổi, cô bé bị sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu cách đây 1 năm và được bác sĩ khuyên cho uống nhiều nước mỗi ngày, tuy nhiên khi cô bé thực hiện điều đó thì căn bệnh viêm da cơ địa cũ lại đồng thời tái phát nghiêm trọng.
Nhận ra vấn đề có gì đó không sáng tỏ, bác sĩ Hồng quyết định yêu cầu người mẹ hãy đưa con gái đến gặp mình, đồng thời hãy cầm theo ấm đun nước và dụng cụ đựng nước.
Nghe lời bác sĩ, người mẹ dẫn con gái đến phòng khám. Vừa gặp cô bé, bác sĩ Hồng đã nhanh chóng nhận ra làn da mỏng manh của cô bé bị trầy xước do viêm da dị ứng, nhưng đáng chú ý nhất chính là phần chai đựng nước của cô bé, nó chính là chai nhựa PET,
Theo bác sĩ: Người mẹ đã cho con gái mình sử dụng chai nhựa này được 1 năm. Nhưng chai nhựa PET nhìn chung chỉ có thể sử dụng tối đa trong 1 tuần. Chất liệu của chai PET chứa nhiều hóa chất dẻo và kim loại nặng, nó sẽ bị hòa tan trong nước. Trẻ em tiếp xúc với các hóa chất này trong thời gian dài sẽ gây viêm da cơ địa, hen suyễn, dậy thì sớm.
Khi nghe đến đây, mẹ của cô bé thảng thốt tiết lộ: "Hèn gì con bé mới 10 tuổi mà đã có kinh nguyệt rồi".
Sau đó, người mẹ này nghe theo lời dặn của bác sĩ, không cho con gái uống nước đựng trong chai nhựa nữa và bệnh viêm da cơ địa dần thuyên giảm và hết hẳn.
Cách nhận biết từng loại chai nhựa an toàn cho sức khỏe
Nhựa là vật liệu tiện lợi không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta hầu như không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với các hóa chất có trong chai nhựa. Tuy nhiên, nhựa cũng có nhiều loại, có loại dễ hòa tan nhưng cũng có loại thì không. Nếu hiểu rõ được đặc tính của từng loại nhựa, mọi người có thể giảm thiểu khả năng ăn các hạt nhựa.
Theo Trung tâm Thông tin Môi trường và Sở Y tế thành phố Đài Trung, nhựa chủ yếu được chia thành 7 loại. Tùy từng loại mà có những đặc tính an toàn riêng. Khi mua và sử dụng đồ nhựa, những con số này mang ý nghĩa là:
Số 1 - PET (Nhựa polyethylene terephthalate)
Nhựa PET thường xuất hiện nhiều nhất trong các loại chai nước ngọt, lọ bơ đậu phộng, tương ớt, thậm chí trong bao bì thực phẩm đông lạnh. Nó được dùng để đựng mỹ phẩm, vì dễ tạo khuôn. Ngoài ra, nó thường được sử dụng để lưu trữ hóa chất, bao gồm cả chất tẩy rửa gia dụng.
Số 2 - HDPE (Nhựa high-density polyethylene)
Nhựa HDPE cứng hơn một chút, có thể sử dụng để chứa đựng các sản phẩm nặng như bột giặt, bình đựng nước chai 25 lít...
Số 3 - PVC (Nhựa polyvinyl chloride)
Nhựa PVC không chịu được nhiệt độ cao, không thể cho vào lò vi sóng. Nhiều người dùng màng bọc thực phẩm này cho thịt chín, nhưng nếu thức ăn nóng tiếp xúc với nhựa này sẽ sinh ra chất độc nguy hiểm. PVC xuất hiện trong mọi thứ từ kính râm đến vật liệu chống đạn.
Số 4 – LDPE (Nhựa low-density polyethylene)
Nhựa LDPE chịu nhiệt thấp từ 70-90 độ C, nhưng lại có khả năng chống ăn mòn, chịu được axit, có thể cho được vào lò vi sóng nhưng khuyến cáo không nên tiếp xúc với thực phẩm. Bạn thường thấy nó được sử dụng cho túi ni lông trong các hàng tạp hóa hoặc màng bọc thực phẩm.
Số 5 – PP (Nhựa polypropylene)
Nhựa số 5 là an toàn nhất, giống như hộp bảo quản, chịu được nhiệt độ cao, axit, kiềm và va chạm, nhiệt độ chịu nhiệt đạt 100-140 độ C.
Số 6 - PS/PS-E (Nhựa polystyrene/expanded polystyrene)
Nhựa số 6 cần tránh xa nơi có nhiệt độ cao, axit, kiềm. Nó thường xuất hiện trên các hộp đựng, ví dụ như khay đựng trứng, đĩa nhựa, hộp đựng thức ăn dùng một lần. Chất polystyrene có thể hòa tan trong thực phẩm nóng, sử dụng lâu dài có thể gây ung thư.
Số 7 - Các loại nhựa khác
Nhựa số 7 là các sản phẩm nhựa khác ngoài 6 loại nhựa nói trên, nhưng xuất hiện trên nhiều loại vật dụng, bao gồm cả bình sữa trẻ em... Một số sản phẩm có nguy cơ giải phóng chất hóa dẻo, nên cần phải cẩn thận khi sử dụng nhựa số 7.
Theo số liệu sức khỏe của Tổ chức Ung thư Đài Loan, nhựa số 5 là an toàn nhất, không có độc tính đối với răng miệng, không làm tăng nguy cơ ung thư ở người. Vì vậy, nó là vật liệu đựng thực phẩm lý tưởng trong hộp nhựa.