BSCKI Đỗ Thị Phương Nhung khẳng định, viêm da cơ địa có tiến triển dai dẳng, mãn tính và đặc biệt dễ tái phát, nhất là vào thời điểm trời chuyển lạnh hiện nay.
- Thì ra đây là những món ăn khiến cơ quan nội tạng "sợ hãi" nhất, phụ nữ nếu tránh kịp thời thì cuối đời cũng chẳng sợ bệnh
- 2 đứa trẻ đói ăn ở nhà chờ mẹ vào viện chăm cha bị tai nạn mà không đủ tiền chữa trị: "Mẹ ơi, cha con đâu rồi"
Theo BSCKI Đỗ Thị Phương Nhung (Phòng khám Da liễu Thăng Long), viêm da cơ địa (chàm thể tạng) là một trong những dạng lâm sàng của bệnh chàm (eczema). Đây là tình trạng viêm da mãn tính, có tiến triển dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát. Bệnh có xu hướng khởi phát sớm trong những năm đầu đời (chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi) và có đến 50% trường hợp thuyên giảm khi trưởng thành.
Điều đáng nói, viêm da cơ địa là bệnh về da rất dễ tái phát vào mùa lạnh. Vào giai đoạn thời tiết hiện nay cần phải đề phòng, nhanh chóng phát hiện và điều trị kịp thời, tránh khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt và cuộc sống.
Viêm da cơ địa có những triệu chứng điển hình nào?
Triệu chứng điển hình của bệnh là xuất hiện các ban da có màu hồng đỏ, da dày sừng, ngứa ngáy và khô ráp. Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa là hệ quả do sự tăng sinh quá mức của kháng nguyên IgE trong huyết tương. Nguyên nhân sâu xa gây ra bệnh lý này chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên qua một số nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy bệnh có liên hệ mật thiết đến yếu tố cơ địa.
Mặc dù có tính chất dai dẳng và chưa thể điều trị hoàn toàn nhưng viêm da cơ địa là bệnh da liễu lành tính, chủ yếu gây thương tổn ngoài da và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên ngoài tổn thương da, bệnh đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội gây ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nhận biết viêm da cơ địa qua từng giai đoạn
Tương tự như các thể chàm khác, viêm da cơ địa phát triển qua 2 giai đoạn chính là cấp tính và mãn tính. Thực tế, bệnh còn phát triển ở giai đoạn bán cấp nhưng thời gian tiến triển ngắn và triệu chứng không điển hình nên ít khi được đề cập. Ở từng giai đoạn phát triển, bệnh có biểu hiện lâm sàng, đặc điểm và cách điều trị hoàn toàn khác nhau.
1. Giai đoạn cấp tính
Viêm da cơ địa ở giai đoạn cấp thường bùng phát triệu chứng đột ngột và diễn tiến nhanh, tổn thương xuất hiện chủ yếu ở vùng da mặt (trán, má, cằm). Trong một số trường hợp, thương tổn cũng có thể lan rộng ra chi trên và toàn bộ thân mình.
Các dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa ở giai đoạn cấp tính:
- Xuất hiện đám tổn thương có màu hồng/ đỏ trên vùng da lành. Đám tổn thương thường có hình móng ngực, hình tròn và thường không có ranh giới rõ ràng so với vùng da xung quanh.
- Ở một số ít trường, da không xuất hiện đám đỏ mà khởi phát từng đám sẩn nhỏ khu trú ở vùng mặt.
- Sau một thời gian, bề mặt vùng da tổn thương nổi các nốt mụn nước li ti, không có vảy da và tiết dịch nhẹ.
- Hiện tượng tiết dịch xảy ra trong vài ngày đến vài tuần khiến da phù nề, đau nhức, ngứa ngáy và xuất hiện các vảy tiết (do dịch khô lại).
- Nếu xuất hiện bội nhiễm, vùng da tổn thương có dấu hiệu đỏ rát, sưng nóng, đau nhức, nổi mụn mủ nhỏ và đóng vảy tiết màu vàng.
Tình trạng nổi mụn nước, rỉ dịch và đóng vảy lặp đi lặp lại trong một thời gian nhất định. Sau đó, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn bán cấp với các triệu chứng không điển hình như da khô lại, hơi đỏ và hoàn toàn không tiết dịch hay phù nề.
2. Giai đoạn mãn tính
Viêm da cơ địa ở giai đoạn mãn tính có tiến triển dai dẳng hơn so với giai đoạn cấp. Ở giai đoạn này, bệnh khởi phát các triệu chứng rất điển hình và dễ nhận biết.
Theo thời gian, vùng da tổn thương có xu hướng liken hóa do tác động cơ học của thói quen chà xát, cào gãi và ma sát với quần áo.
Viêm da cơ địa mãn tính đặc trưng bởi tổn thương da khô ráp, nứt nẻ và dày sừng.
Các triệu chứng nhận biết viêm da cơ địa ở giai đoạn mãn tính:
- Vùng da tổn thương có màu đỏ hoặc đỏ sẫm đi kèm với hiện tượng dày sừng và khô ráp.
- Ở giai đoạn mãn tính, tổn thương da có ranh giới rõ ràng so với những vùng da lành.
- Theo thời gian, vùng da tổn thương có xu hướng liken hóa do tác động cơ học của thói quen chà xát, cào gãi và ma sát với quần áo. Liken hóa đặc trưng bởi tổn thương da tăng sinh tế bào sừng, da khô ráp, xuất hiện các vết nứt và chảy máu
- Trong giai đoạn mãn tính, viêm da cơ địa chủ yếu ảnh hưởng đến những vùng da có nếp nhăn như vùng gấp ở tay, vùng da ở cùi chỏ, bàn chân, bàn tay...
Viêm da cơ địa mãn tính có tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Tổn thương da đi kèm với tình trạng ngứa ngáy (chiếm hơn 98%) và đau rát. Tình trạng ngứa dai dẳng kích thích phản ứng gãi, cào tạo nên vòng xoắn bệnh (ngứa - gãi - tổn thương da nặng hơn - gây ngứa dữ dội).
Viêm da cơ địa thường đi kèm với các vấn đề sức khỏe có liên quan đến yếu tố dị ứng như mề đay, sẩn ngứa, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng và hen phế quản.
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa
Mặc dù là bệnh da lành tính nhưng viêm da cơ địa có cơ chế rất phức tạp. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này.
Tuy nhiên qua nghiên cứu về di truyền và mô bệnh học, viêm da cơ địa được xác định là có liên quan đến yếu tố sau:
Viêm da cơ địa ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ và có xu hướng tự thuyên giảm khi trưởng thành.
- Yếu tố gia đình.
- Cơ địa nhạy cảm (có liên quan đến nhiễm sắc thể).
- Chức năng bảo vệ da suy giảm (do thiếu hụt filaggrin trong lớp thượng bì).
Các triệu chứng của viêm da cơ địa có thể bùng phát hoặc trầm trọng hơn khi có những yếu tố thuận lợi như:
- Nhiễm tụ cầu – đặc biệt là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.
- Thức ăn dị ứng.
- Căng thẳng thần kinh, xúc động quá mức.
- Mắc các bệnh lý về tuyến giáp.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Tiếp xúc với chất len dạ.
- Thời tiết thay đổi.
- Độ tuổi còn nhỏ (dưới 6 tuổi).
Thực tế cho thấy, viêm da cơ địa ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ và có xu hướng tự thuyên giảm khi trưởng thành. Ở người lớn, tổn thương da thường phát triển ở giai đoạn mãn tính và có triệu chứng nhẹ hơn so với trẻ nhỏ. Một số giả thuyết cho rằng, mức độ ảnh hưởng của bệnh nhẹ hơn ở người trưởng thành là do chức năng miễn dịch đã phát triển hoàn chỉnh.
Viêm da cơ địa tái phát - Giải pháp phòng ngừa
Các biện pháp y tế chỉ có thể kiểm soát các biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa. Do đó, bệnh nhân nên thực hiện đồng thời với các biện pháp chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị và giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát. Cụ thể như sau:
- Dưỡng ẩm cho da 2 – 4 lần/ ngày bằng các sản phẩm có công thức an toàn, lành tính và không chứa chất kích thích.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố kích ứng, dị ứng như len dạ, phấn hoa, nấm mốc…
- Cải thiện sức khỏe tổng thể
- Kiểm soát stress, rối loạn nội tiết.
- Nên tắm nước ấm để làm mềm da, giảm ngứa và loại bỏ vảy bong. Tránh tắm nước quá nóng vì có thể khiến da mất độ ẩm và khô căng quá mức.
Viêm da cơ địa là bệnh ngoài da thường gặp. Bệnh có tính chất dai dẳng, mãn tính, dễ tái phát và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, bệnh nhân nên tuân thủ điều trị theo hướng dẫn và xây dựng lối sống lành mạnh để kiểm soát thương tổn da, giảm biến chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Những phác đồ điều trị hiện nay cần được cá thể hóa (phù hợp với từng người) nên lựa chọn tốt nhất vẫn là các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và ở các đơn vị y tế đủ uy tín.