Trong thời điểm then chốt này, mỗi người dân cần phải tập trung cao độ để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả nhất.
Tính đến sáng ngày 23/3, Việt Nam có tất cả 116 ca được xác nhận dương tính với Covid-19, trong đó chủ yếu là các du học sinh và người Việt từ nước ngoài trở về. Trong số 113 ca nhiễm, đã có 17 trường hợp được điều trị khỏi và đã xuất viện.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, 2 tuần tới chính là thời điểm quyết định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
"Tất cả chúng ta phải nhận thức được nguy cơ trong 2 tuần tới là thời gian quyết định Việt Nam và Hà Nội có bị dịch hay không, mặc dù chặng đường chúng ta đi đã được hơn 2 tháng. Trong 2 tuần tới, bệnh dịch có biểu hiện rất phức tạp vì số công dân nhập cảnh (từ ngày 6/3 đến ngày 20/3) ở TP vẫn còn nhiều", ông phát biểu tại buổi làm việc vào 21/3 vừa qua.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCm cũng cho biết, 2 tuần quyết định này cũng chính là thời điểm 14 ngày ủ bệnh (nếu có). Vì thế, chính quyền cần tìm mọi cách để khống chế nguồn lây nhiễm ra cộng đồng, đồng thời người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và hạn chế đi lại tới nơi đông người.
Người dân cần thực hiện các biện pháp gì để phòng chống dịch?
Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 02 mét khi tiếp xúc.
- Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
- Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rủa tay với xà phòng…
- Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
Người dân cần làm gì khi bị nghi nhiễm Covid-19?
Các triệu chứng của bệnh nhân nhiễm nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCOV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.
Khi thấy có các triệu chứng này, kèm theo có dịch tễ đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với những bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm, bạn cần gọi đến đường dây nóng để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng. Hiện tại Bộ Y tế đã cung cấp 2 số điện thoại dường dây nóng đề người dân có thể gọi đến khi cần hỗ trợ về Covid-19: 1900 3228 và 1900 9095.
Bên cạnh đó, người nghi nhiễm Covid-19 nên thực hiện đầy đủ các biện pháp sau:
- Che kín mũi, miệng khi ho và hắt hơi.
- Bỏ khẩu trang, khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy hoặc túi buộc kín miệng.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, tháo bỏ khẩu trang hoặc vứt khăn giấy.
- Dùng riêng cốc uống nước, bát đũa.
- Hạn chế đi phương tiện công cộng. Không đến chỗ đông người, nơi làm việc, trường học.
- Thông báo cho người sử dụng lao động, nhà trường và những người liên quan.
- Thực hiện khai báo y tế trung thực và đầy đủ.
Người dân cần làm gì trong thời gian tự cách ly tại nhà?
- Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương
- Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Thông báo hàng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
- Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.
- Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác;
- Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt…
- Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.
- Không ăn chung, không ngủ chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.