Trong cuộc sống gia đình, có lẽ không cặp vợ chồng nào tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột quan điểm, tư tưởng dẫn đến chiến tranh lạnh. Ít thì một vài ngày, nhiều thì có khi cả tuần hoặc lâu hơn thế. Vợ chồng tôi cũng vậy.
- 7 quy tắc vàng giúp chị em hóa giải được mâu thuẫn vợ chồng
- Là vợ chồng hãy thường xuyên tặng nhau món quà thời gian
Chồng tôi khí chất nóng nảy, nói năng thường không cẩn trọng, đôi khi còn nặng lời xúc phạm vợ, tôi lại là một người nhiều tự ái, tâm hồn dễ bị tổn thương nên hay giận nhau cũng là điều dễ hiểu.
Mỗi khi giận chồng, tôi không sao cất nên lời, để mặc bầu không khí im lặng bao trùm cả nhà. Một nỗi buồn vô hạn dâng lên trong lòng tôi, không muốn khóc mà nước mắt cứ chảy. Cả ngày lẫn đêm chìm vào những suy nghĩ miên man, buồn chán, thất vọng.
Mỗi lần giận chồng, bao nhiêu bực bội, tủi hờn từ trước cộng dồn vào làm tôi cảm tưởng như mình là người vợ đau khổ nhất thế gian, còn chồng mình là người xấu xa, tồi tệ nhất trên đời. Lúc ấy nghĩ rằng có thể giận luôn cả tháng, cả năm, không bao giờ thèm nhìn mặt nữa cũng được.
Mỗi lần giận chồng, tôi lại chạnh lòng nhớ về quá khứ xa xôi, thời mà mình đang yêu và được yêu tha thiết. Những ngày tháng ấy còn đâu nữa, giờ đây tôi chỉ biết đau nỗi đau bất lực với hoàn cảnh thực tại của bản thân. Và như một lẽ tất yếu, tôi thầm so sánh chồng với những người đàn ông khác, giá như… giá như…
Cơn giận tưởng chừng cứ thế cuốn tôi đi xa mãi. Nhưng rốt cuộc, chỉ được một vài hôm, sự bực tức trong tôi đã lắng xuống, nhường chỗ cho ngọn lửa tình cảm nhen nhóm trở lại. Nhìn chồng đi làm cả ngày về mệt nhọc, mà mình không chào, không hỏi, không nói một câu gì tự nhiên thấy có lỗi, tự nhiên thấy mình giống một kẻ vô tình vô nghĩa làm sao. Nhìn chồng lặng lẽ ngồi ăn cơm, ra vào trong nhà như một cái bóng, thấy hình như mình mới là người đáng trách chứ không phải chồng. Bình thường, tôi vốn hay quan tâm, chăm sóc chồng, vậy mà giờ đây phải cố tình làm ngơ thì càng buồn bã, khổ tâm hơn.
Lại nghĩ đến những việc chồng đã làm cho mình, cho gia đình từ trước đến nay bỗng thương chồng tha thiết, bỗng nhận ra sự việc có lẽ không đáng để giận nhiều đến thế. Suy cho cùng thì không ai trên đời này (ngoại trừ cha mẹ) vất vả với tôi, có trách nhiệm với tôi nhiều bằng chồng. Mặt khác, có thể là do tôi ở nhà lâu quá, không đi làm, không tiếp xúc với xã hội bên ngoài nên sinh ra khó tính, cố chấp quá chăng? Bao nhiêu lý lẽ lần lượt hiện lên trong tôi. Dần dần, giữa giận và thương không biết cảm xúc nào đang chế ngự nữa.
Cuối cùng tôi đã đúc kết được một điều quan trọng là những lúc giận nhau như thế, hãy để lòng bao dung độ lượng của mình lên tiếng; hãy nghe theo lời mách bảo của trái tim; lý trí đừng cố công viện ra thêm những lý do khác để kéo dài tình trạng căng thẳng; hãy làm lành nếu thực lòng mong muốn, chẳng cần quá câu nệ vào việc ai đúng ai sai, ai mở lời trước ai mở lời sau. Vì nhiều khi đúng sai có nghĩa gì đâu, nguy cơ tan vỡ tình cảm vợ chồng mới là điều đáng lo ngại.
Đó cũng là lúc, tôi có dịp nhìn sâu hơn vào tâm hồn mình, hiểu rõ những trạng thái xúc cảm của mình, phần nào là vội vàng, nông nổi, phần nào là lắng đọng yêu thương. Thấm thía hơn bài học về tình nghĩa vợ chồng mà các cụ vẫn dạy: ‘Đốn cây ai nỡ dứt chồi, tình chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”.
Và nữa, một điều đơn giản thôi nhưng không kém phần quan trọng là có trải qua cảm giác giận nhau rồi, mới hiểu được niềm hân hoan, hạnh phúc nhỏ bé mà ngọt ngào, khi lại được cười, được nói với nhau những điều bình thường, đơn giản. Thì ra cuộc sống có phần tẻ nhạt, nhàm chán hàng ngày nhiều lúc vẫn đáng thèm khát biết bao.
Vậy nên để tránh được sự giận nhau thì cách tốt nhất là phải biết tha thứ, biết tạm đẩy lùi “cái tôi bị tổn thương” vào một góc của tâm hồn để nhìn rộng hơn, xa hơn. Cũng có thể coi như nhường một bước mà tiến hai bước trong quan hệ hôn nhân vậy.