Đằng sau những cuộc ly hôn ai cũng dễ hình dung ra nước mắt của phụ nữ luôn nhiều hơn, chỉ riêng người đàn ông của họ lại không thấy xót. Khi đàn ông khóc ở phiên tòa ly hôn, chắc họ cũng đã biết lý do vì sao phụ nữ từng khóc.
1. Cô bạn của tôi ly hôn chồng vào đúng ngày kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Trên đường ra tòa, cô ấy còn hồi tưởng về cái đám cưới như mơ của 10 năm trước bằng vài câu bông đùa. Bạn nói xem như ly hôn là để khép lại hồi ức đẹp đẽ ấy.
Khi tòa hỏi lý do ly hôn, bạn không thể nói rằng chồng ngoại tình và bạn không thể tha thứ. Bạn đã hoàn toàn buông xuôi, cần gì phải cấu vào tự trọng của đối phương một cái đau điếng? Vì vậy bạn không rơi một giọt nước mắt nào.
Đến khi tòa án tuyên bố ly hôn, chồng bạn liên tục đưa tay lau nước mắt. Bạn lặng nhìn người đàn ông khóc rồi cũng dắt con đi. Sau này, mỗi lần gặp lại, bạn đều nói về cuộc sống mới mẻ của mình, bạn có việc làm mới, có niềm vui mới. Còn chồng cũ hình như vẫn ở quá khứ, nói về nhân tình cùng đứa con đã khiến gia đình bạn đổ vỡ. Bạn hạnh phúc với hiện tại, còn anh ta thì không.
2. Một người bạn khác của tôi đơn phương xin ly hôn chồng. Lần đầu ra tòa, bạn lấy lý do chồng ngoại tình để xin ly hôn. Chồng bạn không đồng ý, bày tỏ hối hận để xin tòa hòa giải. Tòa phán ly hôn không thành. Lần thứ hai ra tòa, bạn nhất quyết phải ly hôn cho bằng được. Lần này bạn nhờ luật sư, cuối cùng cũng có thể ly hôn như mong muốn.
Kết thúc phiên tòa, chồng bạn ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh ta luôn miệng nói thật sự đã hối hận rồi, vì làm sao có thể sống thiếu vợ đây?
Tôi còn sợ thấy chồng cũ đau khổ thế, bạn chắc sẽ mềm lòng như nhiều người vợ khác. Nhưng khuôn mặt bạn từ ngày đầu ra tòa đến khi kết thúc một chút đau buồn cũng chưa từng có. Bước qua dáng vẻ khổ sở của chồng, bạn chỉ nói một câu: “Anh ta đau buồn chỉ vì mất đi một người phụ nữ cam tâm tình nguyện hầu hạ anh ta không công mà thôi”.
Vì đây không phải lần đầu tiên bạn viết đơn ly hôn. Có lần, bạn đã kiên quyết phải đến tòa, vậy mà trên đường đi lại vì dáng vẻ đáng thương của chồng mà quay về. Hết lần này đến lần khác, chồng bạn chưa từng thay đổi thói lăng nhăng, bạc đãi vợ con. Còn bạn bỏ qua cho anh ta bao lần, cuối cùng lại một mình ôm uất ức, tủi hờn. Giờ thì ly hôn được rồi, bạn thấy chồng khóc mà lòng lại nhẹ nhàng đến lạ.
3. Tôi còn nhớ, cha mẹ tôi ly hôn khi tôi lên 15. Cha tôi vốn là người ít nói, nhưng lại vướng vào thói cờ bạc. Gia đình tôi mấy lần bán nhà vì cái tật xấu khó bỏ đó của cha tôi. Đến một hôm, cha mẹ tôi cãi nhau lớn lắm, còn nhắc tên một người phụ nữ khác. Vậy là mẹ viết đơn ly hôn, cha tôi cũng đồng ý ký. Cả hai chẳng ai nói lời nào đến tận khi tòa tuyên ly hôn, tôi ở với mẹ.
Sau phiên tòa, cha tôi nói muốn ăn một bữa cơm gia đình lần cuối. Cha tôi bình thường chẳng mấy khi rơi nước mắt, vậy mà ở bữa cơm ba người lần cuối ấy, ông lại khóc nghẹn. Cha tôi khóc rồi nói, vẫn không thể tin mẹ tôi có thể bỏ mình. Mẹ tôi mặt vẫn bình thản, như chẳng nghe chẳng thấy gì. Rất lâu sau tôi vẫn hỏi mẹ, mẹ không đau lòng khi thấy cha khóc sao? Mẹ tôi nói, thế khi mẹ khóc ông ta có đau lòng không?
Có lẽ đằng sau những cuộc ly hôn ai cũng dễ hình dung ra nước mắt của phụ nữ luôn nhiều hơn, chỉ riêng người đàn ông của họ lại không thấy xót. Nói rằng đàn ông vô tâm là bản tính cũng không sai, và đàn ông vô tâm với nước mắt của vợ thì nhiều vô kể. Vậy thì sao khi ly hôn rồi họ lại khóc? Có lẽ chỉ ở khoảnh khắc đó đàn ông mới biết họ sắp mất đi điều gì. Có lẽ đến phút giây còn là vợ chồng cuối cùng đó, họ mới hiểu hôn nhân đổ vỡ đau xót nhường nào.
Chỉ tiếc là, ly hôn đã là quyết định khi tuyệt vọng đến mức tuyệt tình của phụ nữ. Phụ nữ bước tới phiên tòa ly hôn được thì sẽ không còn khóc nữa. Còn đàn ông khóc khi ly hôn thì có lẽ về sau cũng chẳng thể dễ dàng hạnh phúc được.