Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cặp đôi dù đến với nhau bằng tình yêu vẫn đường ai nấy đi sau vài năm, đặc biệt là năm năm đầu chung sống. Bởi đây là giai đoạn hôn nhân xuất hiện nhiều khó khăn mà người trong cuộc lại chưa đủ “công lực” vững vàng để đối mặt.
- 3 cố gắng đáng sợ và vô vọng nhất của đàn bà trong tình yêu và hôn nhân
- Dấu hiệu nào cho thấy hôn nhân của bạn không thể cứu vãn
Các nghiên cứu, điều tra cho thấy, những nguyên nhân dưới đây đe dọa hạnh phúc của các cặp vợ chồng.
Sự nhàm chán
Hầu hết các cặp vợ chồng sau một thời gian chung sống đều có một kinh nghiệm chung nhất, đó là cuộc sống hôn nhân ngày càng trở nên nhàm chán, đơn điệu và buồn tẻ. Thực trạng ấy rất dễ trở thành nguyên nhân của những mâu thuẫn, lục đục, bất hòa trong gia đình, và luôn có nguy cơ dẫn đến kết cục đường ai nấy đi.
Một trang báo mạng mới đây đã có bài chia sẻ như sau: “Cuộc sống sau hôn nhân chính là phép thử tình yêu cũng như sự kiên nhẫn của bạn. Điều ít ai ngờ nhưng chắc chắn sẽ xảy ra là bạn cần rất nhiều sự kiên nhẫn chỉ để đối phó với cuộc sống buồn tẻ hàng ngày của hôn nhân. Thực tế, cuộc sống gia đình khá đơn điệu và nhàm chán. Và sự đơn điệu có thể phá hủy bất cứ cuộc hôn nhân nào.
Người duy nhất có thể "cứu rỗi" cuộc hôn nhân của bạn, thúc đẩy nó tốt đẹp lên là chính bạn chứ không phải ai khác. Nếu bạn không đủ hoặc thiếu lòng kiến nhẫn đối với mọi thứ trong cuộc sống gia đình, cuộc hôn nhân của bạn dần dần sẽ tố cáo điều đó. Và chắc chắn, chỉ người có đủ tình yêu và sự kiên nhẫn mới có thể đồng hành cùng cuộc hôn nhân của mình đến hết cuộc đời”.
Kinh tế
Đã qua từ rất lâu rồi cái thời “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Xã hội ngày nay đòi hỏi các cặp vợ chồng một khi đã kết hôn cần phải có khả năng nhất định về kinh tế, để có thể lo cho gia đình nhỏ của họ, và cho cuộc sống của những đứa con sắp chào đời.
Có vẻ như tiêu chuẩn hạnh phúc của các gia đình cũng không còn dừng ở “cơm đủ ăn, áo đủ mặc”, mà cao hơn nữa là mặc đẹp và tháng ít nhất một lần ra ngoài hò hẹn với nhau để duy trì sự lãng mạn trong mối quan hệ vợ chồng.
Mọi nhu cầu của cuộc sống đều cần đến ngân sách, cho nên sẽ rất dễ xảy ra xung đột nếu kết hôn và sinh con rồi mà vợ chồng vẫn rơi vào cảm giác thiếu thốn, làm quần quật mà không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày.
Quá khứ
Nếu một trong hai bạn vẫn luôn so sánh mối quan hệ mới của mình với chuyện yêu đương cũ, tình cảm sẽ không tốt chút nào. Học hỏi từ những sai lầm của chuyện quá khứ là điều tốt nhưng coi nó như khuôn mẫu cho mọi mối quan hệ khác lại chẳng mang lại điều hay. Những thứ bạn có bây giờ khác với bất cứ gì bạn có trước đó, vì thể hãy để quá khứ được ngủ yên. Tương tự như vậy, lôi quá khứ vào cuộc sống hiện tại cũng sẽ phá vỡ quan hệ của bạn.
Những 'cây si' dai dẳng
Một cặp tất nhiên là chỉ có hai người. Thêm một người thứ ba vào sẽ khiến mọi chuyện rắc rối hơn nhiều. Khi có người cố tình theo đuổi bạn hay "nửa kia" của bạn, cảm giác thiếu tin cậy, nghi ngờ rất dễ nảy sinh trong mối quan hệ và làm nó rạn nứt. Ảnh hưởng của điều này còn lớn hơn nếu "kẻ phá bĩnh" lại là người tình cũ của bạn.
Khi rơi vào trường hợp này, bạn hãy cố gắng giải quyết nó càng nhanh càng tốt. Nếu có một người ngưỡng mộ mình, bạn hãy tỏ thái độ dứt khoát cho họ hiểu rằng bạn không quan tâm đến họ. Việc duy trì thái độ thân thiện với người ấy có thể làm cho họ hy vọng, cố bám riết hơn và quấy rầy mối quan hệ hiện giờ.
Quá lệ thuộc hay quá độc lập
Duy trì sự cân bằng giữa sự độc lập và phụ thuộc là một nghệ thuật đòi hỏi người ta phải rất khéo léo. Nếu bị người khác quản lý quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt. Khi ấy bạn sẽ muốn có một không gian riêng của mình và phẫn nộ người kia vì đã lấy mất sự tự do của bạn.
Ngược lại, khi bạn quá độc lập lại có thể làm cho "nửa kia" cảm thấy cô đơn. Khi một người chỉ say mê công việc hay bất cứ thứ gì khác mà chẳng dành thời gian cho "một nửa" của mình thì làm sao mối quan hệ tốt đẹp được.
Không chung thủy
Phản bội là thứ giết chết mối quan hệ tàn bạo nhất và phần lớn các cặp đều khó có hạnh phúc trọn vẹn nếu được "nó" ghé thăm. Có thể sau chuyện đó, hai người vẫn chung sống với nhau nhưng cảm giác nguội lạnh và mất niềm tin của một người với "nửa kia" đã xuất hiện và làm cuộc sống của các bạn nặng nề.
Thiếu tin tưởng và tôn trọng nhau
Một nguyên tắc vàng trong đời sống hôn nhân, đó là “Tương kính như tân”. Vợ chồng luôn phải coi nhau như những vị khách quý, khách đặc biệt trong cuộc đời của mình. Tôn trọng nhau không phải là tâng bốc nịnh bợ nhau một cách giả đối, mà là tôn kính, tin tưởng nhau với một tình yêu chân thành, tự do và tế nhị…
Ai cũng biết để bảo toàn sự kính trọng và tin tưởng nhau lâu dài trong hôn nhân không phải là chuyện dễ. Bởi sự nhàm chán, va chạm thường ngày khiến người ta có thái độ lờn mặt hay khinh thường nhau. Nhưng nếu yêu nhau thực tình, thì sự tin tưởng và kính trọng nhau sẽ mãi tồn tại. Như một danh nhân có nói: “Nền tảng của tình yêu vợ chồng là yêu kính trân trọng nhau” (Elijah Fenton). Hay có câu: “Yêu là kính, không kính là chưa yêu”.
Khác biệt về lối sống
Trước khi chung sống, vợ - chồng là hai cá thể riêng biệt, trưởng thành trong môi trường khác nhau, được giáo dục khác nhau và thừa hưởng những lối sống cũng khác nhau.
Điều duy nhất gắn kết họ với nhau thưở ban đầu là tình yêu và những đam mê. Một khi đã kết hôn, giai đoạn “hormone tình yêu sục sôi” qua đi, đam mê lắng xuống, nếu không khéo thích nghi, vợ chồng rất dễ rơi vào cảnh chán ngấy nhau vì người này không chịu nổi cách sống của người kia, hôn nhân trở thành sự khó chịu đeo bám khiến một trong hai hoặc cả hai muốn thoát ra ngoài.