“Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài”, câu cổ ngữ này đã nói rõ về triết lý kết giao của người xưa.
- 3 phép thử liền biết ngay đàn ông có coi trọng bạn hay không
- Đàn ông yêu thật lòng hay không, cứ xem anh ấy tự nguyện làm được gì cho bạn
Lấy vợ lấy đức không lấy sắc
Với đa số mọi người mà nói “hôn nhân” đại diện cho hạnh phúc nửa đời sau. Thường có câu rằng: “Hạnh phúc trong hôn nhân chỉ có một, bất hạnh trong hôn nhân lại đủ đường”.
Điều này đã thể hiện được mối quan hệ giữa con người và hôn nhân. Cho nên việc lựa chọn bạn đời vô cùng trọng yếu với cuộc đời mỗi người.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của nhau, thậm chí còn liên quan tới sự sinh trưởng và nuôi dưỡng tính cách của con cháu đời sau.
Vào thời cổ đại, người xưa đặc biệt chú trọng sự tiếp nối và truyền thừa trong gia tộc. Rất nhiều người đều chung sống theo hình thức gia tộc, mối quan hệ giữa người với người lại càng thêm mật thiết.
Cho nên, từ rất sớm cổ nhân đã hiểu được tầm quan trọng của việc lựa chọn bạn đời.
Có câu cổ ngữ rằng: “Lấy vợ lấy đức không lấy sắc”, khuyên răn người đời sau, khi lấy vợ nhất định phải quan sát tinh tường, điều cần coi trọng là đức hạnh chứ không phải tướng mạo của bạn đời.
Như nàng Tố Lưu Nữ cổ dài lại mọc khối u, nhờ đức hạnh vẫn trở thành vương hậu, phò tá Tề MẫnVương chỉnh đốn hậu cung, lấy đức cai quản triều chính, đạt đến thịnh vượng. Như nàng Đát Kỷ, xinh đẹp mê đắm vua Trụ, gây hoạ hại, tai ương cho bách tính và vương triều.
Trong nhịp sống vội vã của xã hội hiện đại, rất ít người có thể tĩnh tâm tìm hiểu người khác. Cộng thêm lòng người khó đoán, nên rất nhiều người lựa chọn bạn đời chỉ dựa vào ấn tượng gặp gỡ.
“Nhan sắc là tất cả” đã trở thành suy nghĩ trong tâm không ít người. Nhưng thực tế người ta cũng đều tự hiểu rằng: nhân tố quyết định khi xem xét một người chính là tâm hồn.
Nếu muốn lựa chọn một người đi cùng mình suốt phần đời còn lại thì cần phải nhìn vào đức hạnh. Ví như một người phụ nữ rất xinh đẹp, nhưng lại ngang ngược, khi dẫn ra ngoài có lẽ sẽ rất bắt mắt, nhưng liệu gia đình ấy có hoà thuận không? Cha mẹ có thể yên tâm không? Anh chị em còn muốn qua lại nữa không? Thậm chí hai người có còn muốn tiếp tục ở cùng nhau nữa hay không?
Kết bạn kết tâm chẳng kết tài
Địa vị của bạn bè trong tim mỗi người vô cùng quan trọng, nhưng bạn bè ở đây không phải là bạn rượu thịt, mà là những người bạn chân chính.
Bạn rượu thịt là kết bạn vì tiền tài, dùng tiền bạc để kết giao. Những người bạn như vậy có thể dễ dàng tụ hội đông đảo chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng dễ dàng giải tán trong chớp mắt, đặc biệt là những lúc nguy nan.
“Áo gấm thêu hoa, chẳng bằng tặng than củi giữa ngày đông tuyết lạnh”. Bạn rượu thịt dẫu nhiều cũng chỉ như áo gấm thêu hoa, những người tặng than giữa ngày đông tuyết lạnh mới là bạn chân chính.
Có thể những người như vậy không nhiều, nhưng lại vô cùng đáng quý. Họ chính là những người bạn tâm giao, không phải là thao thao bất tuyệt nói không hết chuyện khi ở bên nhau, mà là có thể cùng im lặng mà không thấy ngại ngùng.
Nói đến tình bạn keo sơn thì phải nói về Bảo Thúc Nha và Quản Trọng. Khi cùng nhau buôn bán Bảo Thúc Nha luôn nhường bạn phần hơn. Lúc người đời chê trách Quản Trọng tham lam của cải vật chất, ham sống sợ chết, Bảo Thúc Nha lại đứng ra giải thích giúp bạn nói đó là vì gia cảnh, vì hiếu thuận với mẹ già.
Trên con đường hoạn lộ, Bảo Thúc Nha cũng luôn lui lại phía sau, tiến cử Quản Trọng cho Tề Hoàn Vương. Nhờ đó Quản Trọng mới có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân phò tá quân vương, làm nên đại nghiệp.
Kỳ thực của cải không phải là bạn bè chân chính, nhưng bạn bè lại thực sự là một món tài phú. Thực đáng tiếc khi rất nhiều người không hiểu đạo lý này.