Bởi vậy nên người ta mới có câu: "Làm mẹ đã mệt lắm rồi, làm vợ còn cực hơn nhiều lần".
- 10 câu nói vừa thâm vừa thấm, đọc để hiểu hơn về sự 'trần trụi' của cuộc đời
- Phật dạy cách vượt qua tình duyên lận đận để gặp được hạnh phúc đích thực
Những chị em phụ nữ đã kết hôn và sinh con thường trêu đùa các bạn chưa lập gia đình rằng: "Cứ chơi cho chán đi, đến lúc lấy chồng rồi sẽ không còn được vui tươi như vậy nữa đâu". Câu nói ấy tưởng chỉ là câu trêu đùa cho vui thôi nhưng thực chất nó chính là "bài học" rút ra từ những người đã may mắn được "nếm mùi" chồng, con.
Đúng như vậy mà! Làm phép so sánh đơn giản thôi cũng đủ nhìn thấy sự khác biệt lớn ấy rồi, phụ nữ chưa lập gia đình tha hồ chăm chút, làm đẹp cho bản thân và chẳng có chút vướng bận nào cả, còn chị em đã lấy chồng rồi thì hết chăm chồng lại đến chăm con, lúc nào cũng cố vun vén chỉ mong sao giữ được cuộc hôn nhân của mình êm ấm nhất. Người ta không thể có 3 đầu 6 tay thật để lo liệu chu toàn hết mọi việc, tất dẫn đến căng thẳng, trầm cảm.
Người ta cứ cho rằng, khi có con vào phụ nữ mới dễ dẫn đến căng thẳng, hay cáu giận vì việc nuôi dạy một đứa trẻ đâu có dễ dàng gì. Ấy vậy mà, khoa học lại chứng minh một điều hoàn toàn khác, thực tế chính các ông chồng mới là nguồn cơn gây ức chế, stress cho các bà vợ. Bằng chứng là một nghiên cứu của tờ Today (Mỹ) đã chỉ ra gần một nửa (46%) các bà vợ được hỏi đều nói rằng con cái còn ít gây căng thẳng hơn chồng, nhưng không phải vì ngoại tình hoặc bạo hành mà chỉ đơn giản là vì những vấn đề trong cuộc sống vợ chồng.
Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn hơn 7.000 bà mẹ người Mỹ và nhận thấy rằng hầu hết các bà mẹ sẽ đánh giá mức độ căng thẳng của họ trung bình ở mức 8,5/10.
Hãy xem các nhà khoa học đã đưa ra lý giải cho những con số đáng ngạc nhiên ấy như thế nào nhé.
1. Có chồng như thể có thêm 1 đứa trẻ trong nhà
Có 1 sự thật là các đấng mày râu thường bị coi là cư xử như thể một đứa trẻ cho đến khoảng năm 43 tuổi. Điều này không chỉ được thể hiện trong thái độ vô tư của họ đối với một số vấn đề và trong hành động, mà còn thấy rõ trong cách họ chơi đùa, tương tác với các con. Một người tham gia phỏng vấn nói rằng: "Một đứa bé 7 tuổi sẽ là một đứa bé 7 tuổi. Nhưng một người đàn ông 35 tuổi mà lại cư xử như một đứa trẻ 7 tuổi thì sẽ gây ức chế, căng thẳng hơn vì đáng lẽ họ nên hiểu rõ mọi chuyện hơn chứ".
Thông thường, các ông bố thích chơi đùa với bọn trẻ hơn. Kết quả là, họ dễ dàng trở thành người bạn, tri kỷ, hay thậm chí là "kẻ đồng lõa" với các con trong mọi trò nghịch ngợm. Các bà mẹ thì lại quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên quan đến giáo dục, kỷ luật, sức khỏe cho con. Trong mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày, họ đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt để rèn cho con đủ thứ đức tính thì mai sau mới trở thành người tốt được. Vậy là nghiễm nhiên, họ trở thành những "bà cảnh sát khó tính" trong mắt bọn trẻ. Điều này ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với con cái và có thể dẫn đến xung đột giữa chính cha và mẹ.
Lời khuyên là, giữa vợ và chồng nên thống nhất cách dạy con, nếu 1 người đưa ra phương pháp dạy con đúng đắn, phù hợp thì người kia cũng nên ủng hộ.
Việc chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái hàng ngày cũng rất quan trọng. Khi các ông chồng giúp đỡ và giảm bớt gánh nặng của vợ thì bản thân các bà mẹ có thể không phải quá lo lắng đến vấn đề của các con, ngừng cố gắng kiểm soát mọi thứ, và đôi khi họ có thể thảnh thơi vui đùa với cả chồng và con.
2. Việc nhà quá nhiều mà chồng không giúp
Kết quả từ một nghiên cứu cho thấy cứ 5 bà mẹ thì có 1 người nói rằng thiếu sự giúp đỡ của chồng là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng hàng ngày. Vợ thì đầu tắt mặt tối còn chồng thì ung dung ngồi thư giãn. Việc của phụ nữ không chỉ là nấu ăn và dọn dẹp, chăm sóc con cái, mà còn thanh toán hóa đơn, mua sắm thực phẩm, và lập kế hoạch chi tiêu, vừa bận tay mà còn "bận cả não", đó là những việc không thể bỏ nhưng lại quá sức đối với 1 người. Và nếu không được chia sẻ thì rõ ràng áp lực sẽ tăng lên.
Câu trả lời đơn giản và rõ ràng nhất trong vấn đề này là các ông chồng nên giúp vợ làm việc nhà. Trách nhiệm gia đình được chia sẻ là một trong những yếu tố hàng đầu góp phần tạo nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
3. Căng thẳng vì cảm thấy tội lỗi
Từ những bận rộn trong công việc ở cơ quan lẫn ở nhà, chị em đương nhiên không có được phút giây thảnh thơi và dẫn đến cái gọi là "căng thẳng thời gian". Khi họ cố gắng làm hết cả núi việc chỉ trong 24h đồng hồ mỗi ngày thì sẽ phải vội vã và đương nhiên không thể tránh khỏi sai sót. Và rồi họ lại cảm thấy tội lỗi vì những sai sót mình gây ra.
Có người nói: "Tôi cảm thấy rằng mình đang tự tìm mọi cách để nuôi dạy con cái mà không có sự giúp sức của chồng. Điều này khiến tôi căng thẳng, vì nếu có lỗi thì đó là do tôi".
Để vợ không còn bị căng thẳng vì thiếu thời gian và cảm giác tội lỗi, chồng nên chia sẻ với cô ấy không chỉ công việc nhà và còn cả chăm sóc con cái. Khi vợ chồng cùng thảo luận các vấn đề, đưa ra quyết định cùng nhau và cả hai đều chịu trách nhiệm cho những quyết định đó, thì nó sẽ giúp họ trở nên đồng lòng, thấu hiểu, cảm thông với nhau nhiều hơn và giải quyết được nhiều vấn đề hơn.
Chị em phụ nữ cũng nên phát triển kỹ năng quản lý thời gian của mình. Hãy nhớ rằng căng thẳng có thể dẫn đến ly hôn và có tác động tiêu cực đến sức khỏe của chính bạn. Vì vậy, điều quan trọng là cố gắng đừng tự gây ức chế, căng thẳng cho bản thân để cuộc sống gia đình bạn luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.