Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ. Tình yêu giống như sợ dây, hai người ở mỗi đầu cùng kéo. Chỉ cần một bên kéo căng hoặc bỏ lơ, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.
- 6 lợi ích tuyệt vời của tình yêu đã được khoa học chứng minh, đừng bỏ lỡ cơ hội của mình
- 8 lý do vì sao bạn nên thẳng thắn thú nhận tình cảm với người mình thích
Câu chuyện Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu thứ nhất
Đêm khuya, trong một ngôi Chùa, có một người quỳ dưới chân Đức Phật nhờ Ngài dạy về chuyện tình yêu.
Người: Thưa Đức Phật thánh minh, con là một người đã có vợ, con hiện đang yêu say đắm một người đàn bà khác, con thật không biết nên làm thế nào?
Đức Phật: Con có thể xác định người đàn bà con đang yêu hiện nay là người đàn bà cuối cùng và duy nhất trong cuộc đời con không?
Người: Thưa vâng.
Đức Phật: Con ly hôn, sau đó lấy cô ấy ?
Người: Nhưng vợ con hiện nay dịu dàng, lương thiện, thảo hiền. Con bỏ cô ấy liệu có phần tàn nhẫn không, có mất đạo đức không, thưa Đức Phật?
Đức Phật: Trong hôn nhân không có tình yêu mới là tàn nhẫn và mất đạo đức. Con hiện giờ đã yêu người khác, không yêu vợ nữa. Con làm như thế là đúng.
Người: Nhưng vợ con vẫn rất yêu con, quả thật yêu con lắm, thưa Đức Phật.
Đức Phật: Vậy thì vợ con hạnh phúc.
Người: Sau khi con chia tay vợ để lấy người khác, vợ con sẽ rất đau khổ, tại sao lại hạnh phúc, thưa Đức Phật?
Đức Phật: Trong hôn nhân, vợ con vẫn có tình yêu đối với con, còn con đã mất đi một tình yêu đối với vợ con. Bởi vì con đã yêu người khác, chính vì có hạnh phúc, mất đi mới đau khổ, cho nên người đau khổ là con.
Người: Nhưng con cắt đứt vợ, sau đó cưới người khác, vậy là cô ấy đã mất con, cô ấy mãi là người đau khổ.
Đức Phật: Con nhầm rồi, con chỉ là người vợ con yêu thật sự trong hôn nhân. Khi một người như con không tồn tại, thì tình yêu thật sự của vợ con sẽ tiếp nối sang một người khác, bởi vì tình yêu thực sự của vợ con trong hôn nhân xưa nay chưa từng mất, cho nên vợ con mới là người hạnh phúc, con mới là người đau khổ.
Người: Vợ con đã từng nói kiếp này chỉ yêu mình con thôi. Cô ấy sẽ không yêu ai khác.
Đức Phật: Con cũng đã từng nói thế phải không?
Người: Con…con…con…
Đức Phật: Bây giờ con nhìn ba ngọn nến trong lư hương trước mặt, xem ngọn nào sáng nhất?
Người: Quả thật con không biết, hình như đều sáng giống nhau.
Đức Phật: Ba ngọn nến ví như ba người đàn bà. Một ngọn trong đó là người đàn bà hiện giờ con đang yêu. Đông đảo chúng sinh, đàn bà đâu chỉ là mười triệu trăm triệu…Ngay đến một trong ba ngọn nến, ngọn nào sáng nhất con cũng không biết, cũng không tìm được người con hiện đang yêu, thì làm sao con xác định được người đàn bà hiện nay là người đàn bà cuối cùng và duy nhất trong cuộc đời con?
Người: Con…con…con…
Đức Phật: Bây giờ con cầm một cây nến đặt trước mắt để tâm nhìn xem ngọn nào sáng nhất?
Người: Đương nhiên ngọn trước mặt sáng nhất.
Đức Phật: Bây giờ con đặt nó vô chỗ cũ, lại xem xem ngọn nào sáng nhất.
Người: Quả thật con vẫn không nhìn ra ngọn nào sáng nhất.
Đức Phật: Thật ra cây nến con vừa cầm giống như người đàn bà cuối cùng con đang yêu hiện nay, tình yêu nảy sinh từ trái tim, khi con cảm thấy yêu nó, để tâm ngắm nghía, con sẽ thấy nó sáng nhất. Khi con để nó vô chỗ cũ, con lại không tìm được một chút cảm giác sáng nhất. Thứ gọi là tình yêu cuối cùng và duy nhất của con chỉ là hoa trong gương trăng dưới nước, suy cho cùng chỉ là con số không, một cuộc tình trống rỗng.
Người: Con hiểu rồi, không phải Đức phật bảo con phải ly hôn vội vã, Đức Phật đang niệm chú làm cho con ngộ đạo.
Đức Phật: Nhìn thấu sẽ không nói trắng ra, con đi đi!
Người: Bây giờ con đã biết thật sự con yêu ai, người đó chính là vợ con hiện nay, thưa Đức Phật.
Đức Phật: A Di Đà Phật…
Câu chuyện Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu thứ hai
Có một anh chàng đau khổ vì bị người yêu bỏ đi lấy chồng, anh ta chán nản nên tìm lên chùa và hỏi 1 vị sư thầy:
Tại sao con yêu cô ấy nhiều như thế mà cô ấy vẫn đi lấy người khác?
Thấy vậy, sư thầy mỉm cười và cho anh chàng xem qua một chiếc gương. Trong đó có cô gái đẹp khỏa thân nằm chết bên đường.
Mọi người đi qua đều bỏ đi...
Chỉ có 1 anh chàng dừng lại nhưng cũng chỉ đắp cho cô gái ấy 1 cái áo rồi cũng bỏ đi.
Mãi sau có 1 chàng trai khác đến và đem xác cô gái đi chôn.
Sư thầy nhìn anh chàng và nói:
"Kiếp trước anh mới chỉ là người đắp áo cho cô ấy thôi. Còn người chồng cô ấy lấy bây giờ chính là người kiếp trước đã chôn cô ấy,đó chính là chữ NỢ, anh chỉ có DUYÊN với người Con gái ấy thôi!".
Câu chuyện Phật dạy về duyên nợ trong tình yêu thứ ba
Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.
Phật dừng lại, hỏi nhện: “Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?”
Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: “Thế gian cái gì quý giá nhất?”
Nhện suy ngẫm, rồi đáp: “Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!”. Phật gật đầu, đi khỏi.
Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.
Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: “Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?”
Nhện nói: “Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là “không có được” và “đã mất đi” ạ!”
Phật bảo: “Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi.”
Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.
Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: “Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?” Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: “Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi.”
Phật nói: “Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!”
Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.
Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.
Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.
Châu Nhi nói với Cam Lộc: “Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?”
Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: “Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?”. Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.
Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.
Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: “Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi.” Nói đoạn rút gươm tự sát.
Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.
Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?”
Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”
Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…
Lời Phật dạy về duyên nợ
Phật nói:
Người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả ơn cho bạn.
Đứa con trai ở kiếp này, là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, tới để đòi món nợ chưa trả.
Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt.
Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước, tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt.
Hồng nhan tri kỷ của kiếp này, là anh em của kiếp trước, tới chia sẻ những tâm sự chưa nói hết.
Người giàu có kiếp này là người giàu lòng thiện kiếp trước, tới nhận phần công đức đã phát ra kiếp trước.
Đây không phải là mê tín, là nhân quả , là số kiếp.
Phật nói: Nếu không nợ nhau, làm sao gặp gỡ!
Duyên đến nên quý, duyên hết nên buông
Hoa nở là hữu tình, hoa rơi là vô ý
Người đến là duyên khởi, người đi là duyên tàn
Duyên sâu thì hợp, duyên mỏng thì tan
Vạn pháp do duyên, vạn sự tùy duyên
Bởi yêu khắc cốt ghi tâm mà cảm thấy cuộc đời như mơ, kiếp trước ngoái đầu nhìn 500 lần mới đổi được 1 lần gặp mặt ở kiếp này, đừng bỏ lỡ.
Cội nguồn của tình yêu nằm sâu trong mỗi chúng ta. Chúng ta có thể giúp người khác hạnh phúc. Một lời nói, một hành động, một suy nghĩ cũng có thể làm vơi nỗi buồn và tăng hạnh phúc cho người khác.
Nhân duyên trăm năm, sai trong một phút, quay đầu tìm lại, tình đã thành không.
Yêu rồi biệt ly, oán rồi hội hợp, buông tay về trời, tất cả đều thành hư vô.
Tu trăm kiếp mới chung thuyền, tu ngàn kiếp mới chung chăn gối, kiếp trước ngoái đầu 500 lần đổi lại kiếp này 1 lần gặp gỡ.
Trong Kinh Phật có nói, kiếp sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Kiếp này nối tiếp kiếp khác, có sự thừa hưởng và kế thừa lẫn nhau.
Nhiều cặp vợ chồng, đôi lứa đang sống với nhau mà một trong hai người bỗng có tình cảm với người khác, dẫn đến chuyện chia tay. Những người trần sẽ nói người kia là trăng hoa, đểu cáng, sở khanh... nhưng thật ra đó chỉ là người ta đã trả xong nợ và đã đến lúc phải rời đi. Và chuyện tình cảm không thể níu kéo được.
Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, sẽ gặp hàng nghìn, hàng vạn người, có người sẽ ở bên ta một thời gian dài, nhưng cũng có người chỉ thoáng qua như một cơn gió. Con người gặp nhau là bởi chữ DUYÊN, sống và yêu nhau là bởi chữ NỢ.
Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ. Nhưng để tiếp tục và giữ tình yêu đó thì phải cố gắng. Tình yêu giống như sợi dây, hai người ở mỗi đầu cùng kéo. Chỉ cần một bên kéo căng hoặc bỏ lơ, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.
Vậy nên khi bạn tìm kiếm người ở đầu dây bên kia, hãy cân nhắc thật kỹ. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu để đi tìm một tình yêu mới nữa.
Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một người không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ.
Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu? Bởi đó chính là cơ hôi để bạn gặp được người biết quý giá và trân trọng bạn.