Xuất hiện triệu chứng sốt, tiêu lỏng phân đen, bé gái 3 tháng tuổi vào viện được các bác sĩ chẩn đoán viêm ruột nhiễm trùng, có nhiều giun trong ruột, ghi do uống sữa pha bằng nước sông.
- Mẹ bỉm dừng cho con bú khi mắc COVID-19: Chuyên gia khuyến cáo không nên
- Dạy con trai thành người nhờ 9 lần nói chuyện thẳng thắn
Bé gái D.T.M.T. (3 tháng tuổi, ở Kiên Giang) có biểu hiện bị sốt, tiêu lỏng phân đen 2-3 lần trong 2 ngày. Đi khám bác sĩ tư chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng, điều trị thêm 8 ngày, trẻ hết sốt nhưng vẫn còn đi cầu phân đen, lỏng 3-4 lần/ngày.
Mẹ thấy da và môi con tái nhợt nên đến khám bệnh viện huyện, sơ cứu chuyển lên bệnh viện tỉnh.
Tại đây trẻ được chẩn đoán viêm ruột nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, điều trị thêm 7 ngày với kháng sinh, truyền hồng cầu lắng.
Tình trạng tiêu phân đen vẫn còn ói vài lần ra dịch xanh nên chuyển lên BV Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) tiếp tục điều trị.
Bé gái bị nhiễm giun, xuất huyết tiêu hóa được nhân viên y tế chăm sóc, điều trị
Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc, mạch nhanh 168 lần/phút, nhẹ, chi mát, CRT ≥ 4 giây, huyết áp khó đo, bụng mềm chướng, da xanh tái, niêm nhợt nhạt, Hct chỉ còn 14% (bình thường Hct ở tuổi này 28-32%), bệnh nhi được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, viêm ruột, nhiễm trùng huyết.
Tại đây, bệnh nhi được điều trị bằng cách truyền dịch chống sốc, truyền máu, huyết tương tươi động lạnh, tiểu cầu, kết tủa lạnh, kháng sinh. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn toàn viện và được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dưới kéo dài, chưa loại trừ do viêm túi thừa meckel.
Bệnh nhân tiếp tục được nội soi tiêu hóa, ổ bụng thám sát, nội soi ống mềm qua đường miệng vào ống tiêu hóa trên, ghi nhận niêm mạc hang môn vị viêm sung huyết; niêm mạc hành tá tràng viêm trợt nhẹ, có nhiều giun; niêm mạc tá tràng D2 viêm phù nề, có nhiều giun; niêm mạc đoạn cuối hồi tràng, van hồi manh tràng bị viêm phù nề. kết luận, bé T. bị viêm phù nề niêm mạc dạ dày - tá tràng - đoạn cuối hồi tràng, nhiễm giun.
Trẻ được chuyển khoa hồi sức ngoại tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, truyền máu, chế phẩm máu, kháng sinh, vitamin K1, và thuốc xổ giun albendazole. Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị trẻ tỉnh tảo, hồng hào, hết xuất huyết tiêu hóa, cai máy thở bú khá.
Qua khai thác hỏi kỹ về cách nuôi dưỡng trẻ, bác sĩ được biết trẻ ở nhà được cho bù sữa bằng nước sông lắng phèn, không được đun sôi, nên nghi ngờ trứng giun xâm nhập từ đây.
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc con em mình kỹ lưỡng, ăn chín, uống chính, rửa tay khi chế biến thức ăn, vệ sinh,… để đảm bảo trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng,…
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để phòng tránh việc vô tình đưa những tác nhân có hại vào cơ thể của bé, cha mẹ nên chú ý vấn đề vệ sinh khi pha sữa.
- Cha mẹ hãy rửa tay thật kỹ và đảm bảo khu vực chuẩn bị pha sữa phải được sạch sẽ.
- Cần kiểm tra chắc chắn hạn sử dụng của sữa công thức.
- Chỉ nên sử dụng sữa trong vòng một tháng sau khi mở nắp hộp .
- Khi pha sữa, mẹ nên làm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Các chỉ số chính xác rất quan trọng để đảm bảo em bé nhận được đầy đủ dinh dưỡng.
- Đun sôi nước sạch, dùng nước mới và không để nước nguội lâu hơn 30 phút trước khi dùng để khuấy sữa công thức. Nước nóng giúp diệt vi khuẩn có thể có trong bột sữa.
- Đổ đúng lượng nước sôi quy định vào bình sữa.
- Dùng thìa đong đi kèm trong hộp sữa công thức để đo chính xác đúng và đủ lượng sữa bột mỗi lần dùng. Sau đó, đổ bột sữa vào bình sữa đã chứa sẵn nước lúc nãy, vặn nắp vặn, đậy nắp ngoài rồi lắc nhẹ để hoà tan hỗn hợp.
- Vi trùng rất dễ sinh sôi trong sữa pha sẵn, nên các mẹ chỉ nên chuẩn bị sữa ngay trước khi cho bé uống. Không nên pha 2-3 bình để sẵn.
- Nếu đi ra ngoài trong ngày, cách an toàn nhất là các mẹ nên trữ nước sôi để nguội và chia lượng sữa bột cần thiết trong dụng cụ chia sữa. Khi cần cho bé uống mới pha thành hỗn hợp sữa mới.
- Khi hộp sữa đã dùng hết, các mẹ phải bỏ đi cùng với cả thìa đong đi kèm trong hộp sữa.