Với một đứa trẻ, việc hòa nhập và đối mặt với thế giới xung quanh không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là điều cần thiết, trong đó vai trò của cha mẹ là rất quan trọng.
Học giỏi vẫn thiếu kỹ năng sống
Bất cứ đứa trẻ nào từ khi sinh ra đều mang trong mình những đặc điểm, tính cách riêng. Tuy nhiên không phải lúc nào những đặc điểm, tính cách đó cũng được bộc lộ và phát triển đồng bộ theo thể chất của chúng. Có rất nhiều trẻ đang trong độ tuổi đi học, có tư chất thông minh cũng như thành tích học tập tốt nhưng vẫn thiếu những kỹ năng sống cần thiết.
Ngoài học tập trẻ còn cần hoàn thiện các kỹ năng sống
Chị Trương Mỹ Tiên (ngụ tại quận 2) cho biết con gái chị là Đào Ngọc Gia Linh hiện đang học lớp 3, ở trường cháu học rất tốt, về nhà cũng chăm chỉ học bài nhưng lại khá ít nói. Chỉ khi bố mẹ hỏi mới trả lời chứ không chủ động tâm sự hay kể những chuyện cháu gặp ở trường hàng ngày với gia đình như những trẻ khác. Chị Tiên cũng cho biết gia đình có hỏi thăm cô giáo chủ nhiệm thì được biết cháu ở lớp cũng ít khi phát biểu ý kiến, ra chơi cũng chỉ quanh quẩn trong lớp chứ không ra ngoài chơi cùng bạn.
Khác với chị Tiên, trường hợp anh Phạm Quốc Thắng (ngụ tại quận 10) thì con trai anh là Phạm Tú Tài mặc dù đã 11 tuổi nhưng vẫn rụt rè, nhút nhát, việc gì cũng dựa dẫm vào cha mẹ. Ngoài tính cách trên thì theo anh Thắng cháu khá thông minh, có tư duy toán học rất tốt nên anh cũng yên tâm được phần nào. Tuy nhiên, vì đây là đứa con duy nhất của gia đình và lại là con trai nên anh luôn muốn cháu sớm học được tính tự lập, mạnh mẽ hơn.
Cha mẹ nên theo sát để hiểu con
Hiểu được sự cần thiết của việc dạy kỹ năng sống cho trẻ, tại Khoa tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng 1 hơn một năm qua đã đưa vào hoạt động chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Tại đây, trẻ ở độ tuổi từ 8-14 sẽ được tham gia khóa học kỹ năng sống cần thiết như: khả năng ngôn ngữ, giao tiếp, biểu đạt cảm xúc, tính tự lập, cách suy nghĩ và tư duy sáng tạo. Khóa học sẽ giúp các em phát huy được tiềm năng vốn có cũng như tìm ra điểm hạn chế của bản thân, từ đó có định hướng tốt hơn trong cuộc sống.
Theo bà Phạm Thị Yến Trinh – Cử nhân Xã hội học thuộc Khoa Tâm lý – BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện tại Khoa đã tổ chức được khoảng 2 lớp học với số lượng 10 trẻ/lớp, mỗi khóa học sẽ kéo dài trong 8 tuần, sau đó phụ huynh có thể đăng ký học tiếp cho con nếu cảm thấy cần thiết.
Cũng theo cô Trinh, trong suốt quá trình diễn ra khóa học phụ huynh cần có mặt cùng bé ít nhất 3 lần. Lần đầu khi đưa trẻ tới đăng ký học, lúc này phụ huynh sẽ được các chuyên gia tại Khoa Tâm lý của bệnh viện tư vấn đầy đủ về lớp học cũng như tình trạng của bé để có cách dạy phù hợp.
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ
Giữa khóa học giáo viên sẽ trực tiếp gặp gỡ phụ huynh để trao đổi về quá trình học cũng như những chuyển biến của trẻ, từ đó cùng gia đình điều chỉnh cách nuôi và dạy ở lớp lẫn tại nhà. Cuối cùng là thời điểm kết thúc khóa học, giáo viên phụ trách sẽ tổng kết và trao đổi với phụ huynh về sự tiến bộ trong kỹ năng sống của trẻ cũng như đưa ra lời khuyên hợp lý để gia đình, cha mẹ biết cách hòa hợp với con, từ đó khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc với người xung quanh.
Do đối tượng trẻ tham gia lớp học đều trong độ tuổi đi học nên bệnh viện đã linh động chuyển thời gian học từ thứ 4 hàng tuần sang sáng chủ nhật. Phụ huynh có nhu cầu đăng ký học cho trẻ có thể đăng ký các ngày trong tuần từ Thứ 2 – Thứ 6 tại Khoa Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng I.
Thời gian học: 8h – 10h30 ngày chủ nhật hàng tuần.
Địa điểm: Phòng số 7, Khoa Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng 1, 341 Sư Vạn Hạnh, phường 10, TP.Hồ Chí Minh.