Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em là điều khiến rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng, vì nó sẽ khiến thể chất cũng như trí tuệ của con không được phát triển toàn diện.
- Những thực phẩm ngăn ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ sau cai sữa mẹ
- Giải đáp thắc mắc: Bé ăn không hấp thu phải làm sao?
Suy dinh dưỡng ở trẻ em khiến cơ thể bé chậm phát triển, khiến bé không được mạnh khỏe và thường xuyên ốm vặt. Vậy nguyên nhân gì gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau!
Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết qua đó làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tăng trưởng của cơ thể cùng các hoạt động sống khác. Tình trạng này thường xuyên xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mầm non.
Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em làm cho cơ thể của bé bị thiếu cân hơn hẳn so với các bạn đồng trang lứa. Đồng thời, nó còn khiến cho bé rất dễ bị mắc bệnh, chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng
Một số dấu hiệu trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng như:
- Bé chậm tăng cân hoặc thậm chí là không tăng cân, sụt cân trong nhiều tháng.
- Bé không tăng trưởng thêm về chiều cao từ lúc mới sinh.
- Bé hay ốm vặt, thường xuyên bị mắc các bệnh về đường hô hấp.
- Bé hay quấy khóc, giấc ngủ không sâu, hay trằn trọc và giật mình.
- Bé hay bị rối loạn tiêu hóa, cụ thể là bé đại tiện ra phân sống.
- Da dẻ của bé không được hồng hào, nhợt nhạt và trông rất xanh xao.
- Cơ tay, bắp đùi của bé rất nhão.
- Tóc của bé hư và dễ rụng, răng chậm mọc.
- Bé biếng ăn, niêm mạc nhợt nhạt, không thường xuyên hoạt động.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ
Nếu bố mẹ không để ý kỹ sự tăng trưởng và phát triển của con, con rất dễ bị suy dinh dưỡng và ảnh hưởng rất lớn đến trí lực của con sau này. Dưới đây là một số nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ mà bố mẹ nên biết để ngăn ngừa cho con.
Do trẻ sinh non
Em bé sinh non thường rất yếu ớt, mọi hoạt động của hệ tiêu hóa trong bé rất kém. Do đó, việc hấp thụ dinh dưỡng đối với bé cũng rất khó khăn, gây ra tình trạng biếng ăn và suy dinh dưỡng.
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và thiếu hụt dưỡng chất
Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Có thể là do bố mẹ thiếu sự hiểu biết về cách chăm con. Nhiều trường hợp mẹ cho con cai sữa sớm nhưng ngay sau đó lại không bổ sung các vitamin và dinh dưỡng cần thiết đầy đủ như khi bé đang được bú sữa mẹ.
Trẻ mắc một số bệnh viêm, nhiễm trùng
Những bé hay bị mắc bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh về đường hô hấp thường hay phải sử dụng thuốc kháng sinh mà những kháng sinh có trong thuốc lại tiêu diệt cả khuẩn có lợi cho đường ruột. Điều này rất dễ gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa khiến bé đau đớn, mệt mỏi và chán ăn. Vì vậy, nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ hay thức ăn dặm đều không được cơ thể bé hấp thu triệt để.
Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng
Ký sinh trùng trong cơ thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, chưa kể là những con ký sinh trùng này còn hút và lấy đi dinh dưỡng trong cơ thể của bé nữa.
Cách phòng tránh suy dinh dưỡng trẻ em
- Khi mang thai mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi.
- Cho bé bú mẹ ngay sau khi sinh đến 24 tháng là tốt nhất.
- Chăm sóc bé bằng các bữa ăn hợp lý, chế độ dinh dưỡng được cân bằng.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Nấu thức ăn chín kỹ cho bé ăn.
Cách điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em
Nếu bé đang trong tình trạng suy dinh dưỡng, các mẹ không nên quá lo lắng, chỉ cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết và cùng con tập cách vận động để phát triển trí lực là được. Dưới đây là một số cách trị bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ:
- Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho bé.
- Không nên cho bé ăn dặm quá sớm mà ngưng nguồn cung sữa mẹ. Mẹ nên để cho bé bú mẹ càng lâu càng tốt.
- Cho bé ăn đủ bữa, mỗi bữa nên cân đối đủ 4 nhóm thực phẩm là tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất
- Cho trẻ thường xuyên vận động để quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh chóng và bé dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn. Không những vậy mà vận động còn giúp cho bé có sức đề kháng và thể trạng vô cùng tốt.
- Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng 1 lần cho con.
Bài viết trên đây cung cấp cho các bố mẹ thêm kiến thức về cách điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em để bố mẹ biết cách chăm sóc con tốt hơn và giúp con khỏe mạnh hơn.