Nhiều ông bố bà mẹ đã và đang phải đau đầu về vấn đề bé 2 tuổi hay giật mình khóc đêm. Vậy có cách nào để khắc phục tình trạng trên hay không?
Chắc chắn rằng các độc giả từng nuôi nấng con nhỏ đều đã từng trải qua những đêm thức trắng vì trẻ quấy khóc, nhất là các bé 2 tuổi hay giật mình khóc đêm. Tuy đây là một hiện tượng rất phổ biến nhưng không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân thật sự và cách khắc phục. Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho các bạn một số thông tin hữu ích.
Bé 2 tuổi ngủ hay giật mình khóc đêm là do đâu?
Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau:
- Trẻ sơ sinh thường ngủ trung bình khoảng 20-22 giờ mỗi ngày.
- Trẻ dưới 1 tuổi thường ngủ trung bình 16-18 giờ mỗi ngày.
- Trẻ từ 1-2 tuổi ngủ trung bình 14-16 giờ.
- Trẻ từ 2-3 tuổi ngủ trung bình 12-14 giờ.
- Trẻ từ 3-6 tuổi ngủ trung bình 11-12 giờ.
Nếu chu kỳ thức và ngủ của não trẻ bị rối loạn thì sẽ kéo theo các thay đổi về giấc ngủ, dẫn đến trẻ quấy khóc vào ban đêm. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi ngủ đêm hay lăn lộn, khóc quấy, tuy nhiên bài viết sẽ tổng hợp những nguyên nhân phổ biến nhất mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
Bé bị rối loạn tiêu hóa
Do hệ miễn dịch và tiêu hóa còn yếu cùng chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý nên các bé 2 tuổi hay bị đầy bụng, chướng hơi, rối loạn tiêu hóa.
Nhiều bậc phụ huynh cho con ăn quá no, không điều độ, ăn quá sớm hay quá muộn, ăn các loại thức ăn mà cơ thể trẻ chưa đáp ứng được đủ men để tiêu hóa. Điều này khiến cho thức ăn chưa tiêu hóa hết bị ứ đọng trong lồng ruột, dạ dày, bị vi khuẩn lên men và gây nên tình trạng đầy hơi. Đây là cũng là 1 trong những nguyên nhân chính khiến bé ngủ không ngon giấc và hay quấy khóc về đêm.
Trẻ đang đói
Tốc độ phát triển của trẻ em rất đáng kinh ngạc, đặc biệt nhất là trong vòng 3 năm đầu đời và thời kỳ dậy thì. Chính vì vậy, ở giai đoạn này, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ thường rất cao và có sự khác biệt qua từng năm. Trẻ 2 tuổi quấy khóc đêm khả năng cao có thể là do trẻ đang đói, bởi vậy cha mẹ cần lưu ý điều này.
Vấn đề về thần kinh
Đối với trẻ nhỏ trong 3 năm đầu đời, hệ thần kinh của bé rất nhạy cảm, rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bất lợi của môi trường sống xung quanh. Khi bé bị căng thẳng về mặt thần kinh, biểu hiện đầu tiên và rõ rệt nhất mà cha mẹ có thể nhận biết được đó là trẻ quấy khóc dai dẳng, nhất là vào ban đêm.
Thiếu vitamin D
Đây cũng là một nguyên nhân rất hay gặp khiến trẻ 2 tuổi khóc đêm, giấc ngủ gián đoạn. Tuy nhiên hiện nay, với các chương trình giáo dục dinh dưỡng cho mẹ bầu được tổ chức thường xuyên thì hầu như các bé đã được bổ sung đầy đủ vitamin D ngay từ khi còn trong bụng mẹ nên tỷ lệ trẻ thiếu vitamin D thường không cao.
Trẻ tè dầm
Trẻ 2 tuổi chưa thể tự mình kiểm soát được hoàn toàn khả năng tiểu tiện, đó là lý do vào ban đêm trong khi ngủ trẻ hay đái dầm. Nếu bé 2 tuổi hay khóc đêm và có dấu hiệu tè dầm, ban chỉ cần lau dọn thay tã cho trẻ và dỗ trẻ ngủ tiếp.
Cách dỗ trẻ khóc đêm
Dưới đây là một số biện pháp giúp các ông bố bà mẹ khắc phục tình trạng trẻ quấy khóc đêm:
Tạo thói quen tốt để hình thành giấc ngủ cho bé
Một trong những biện pháp hàng đầu giúp bé 2 tuổi ngủ ngon giấc hơn đó là các bố mẹ hãy tạo ra cho con mình những thói quen tốt về thời gian ngủ. Hãy rèn cho bé “ngày chơi, đêm ngủ” bằng cách khuyến khích bé ban ngày tích cực tham gia vào các hoạt động trò chuyện, vui chơi, thể dục thể thao với mọi người xung quanh để tạo đà kích thích cho giấc ngủ đêm của bé.
Trong trường hợp chưa đến giờ ngủ mà bé có những dấu hiệu buồn ngủ như cáu kỉnh, ngáp, lim dim, dụi mắt, … thì các bố mẹ nên xoa lưng, vỗ về để bé được thư giãn trở lại, hoặc có thể cho bé ngậm núm vú giả.
Buổi đêm, nếu bé đang ngủ mà tự dưng thức dậy quấy khóc vì bé đói, bạn nên nói chuyện với bé bằng giọng dịu dàng, không nên bật đèn sáng để bé dần nhận thức và hiểu ra rằng đây là giờ ngủ chứ không phải giờ chơi.
Như vậy sẽ tạo cho bé thói quen ngủ vào ban đêm, giúp giấc ngủ sâu giấc và tập trung hơn.
Thiết lập giờ ngủ cho bé
Bên cạnh việc tạo thói quen để hình thành giấc ngủ điều độ, các bạn cũng cần chú ý thiết lập một khung giờ ngủ cố định cho bé. Tập cho bé nhận thức được đến giờ nào mình phải đi ngủ, đến giờ nào mình phải thức dậy.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể kết hợp với một số hoạt động sau để bé ngủ sâu giấc hơn như:
- Tắm và massage cho bé
- Giảm dần các hoạt động của bé trước giờ đi ngủ
- Âu yếm, thủ thỉ trò chuyện trước khi ngủ
- Đọc sách, kể chuyện cho bé nghe trước khi đi ngủ.
- Hát ru hoặc cho bé nghe nhạc êm dịu.
- Thay đổi không gian ngủ cho bé
Không gian ngủ cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giấc ngủ của bé. Bé 2 tuổi đang ở độ phát triển trí óc và sự sáng tạo của bộ não, ở độ tuổi này bé cần sự khám phá và bắt nhịp với cuộc sống sinh động bên ngoài. Bạn nên chú ý bố trí phòng ngủ của bé sao cho thoáng đãng, trang trí thêm bằng một vài nhân vật hoạt hình để bé có sự thích thú hơn khi trở về phòng ngủ.
>>> Xem thêm:
- Thực đơn cho bé 2 tuổi biếng ăn để cùng con phát triển mỗi ngày
- Nguyên nhân bé 2 tuổi chậm nói và cách khắc phục
Nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp trên nhưng tình trạng trẻ 2 tuổi hay giật mình khóc đêm vẫn không được cải thiện. Các bạn có thể cho bé tới các cơ sở y tế làm siêu âm thóp hoặc điện não đồ để biết được kết quả chính xác nhất.
Như vậy, bài viết trên đây đã chia sẻ tới các bạn những nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng bé 2 tuổi hay giật mình khóc đêm. Với những kiến thức này, hi vọng các bạn sẽ tìm ra biện pháp phù hợp nhất với bé nhà mình!