Những gia đình có con nhỏ đều hiểu rằng, nhà cửa có thể bị xáo tung bất cứ lúc nào khi có trẻ con. Điều này cũng khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khá đau đầu. Nhưng sự thật không phải ai cũng biết, đằng sau sự nghịch ngợm, để đồ đạc lung tung của trẻ cũng là cách giúp chúng phát triển não bộ.
- Ươm mầm hạnh phúc trong con với những bí kíp dạy trẻ khôn ngoan mà ba mẹ nào cũng nên biết
- Nghiên cứu khoa học: 7 lưu ý cho cha mẹ để nuôi dạy nên những đứa con thành công
1. Bàn học
Nhiều bậc cha mẹ sẽ bố trí phòng riêng cho con mình ở một độ tuổi nhất định. Mặc dù cha mẹ nhận thấy tính độc lập của con mình tăng đáng kể nhưng đồ đạc trên bàn học rất lộn xộn.
Nhiều người ban đầu nghĩ rằng, con họ sẽ tự dọn dẹp khi chúng lớn hơn, nhưng ngay cả khi chúng đã lớn vẫn không thích dọn dẹp.
Đặc biệt, một số người mẹ sẽ bị con cái trách móc sau khi giúp con dọn dẹp: “Đừng đụng vào đồ của con. Mẹ đừng có tự ý dọn dẹp đồ của con như vậy. Mẹ làm lộn xộn hết đồ đạc lên rồi”.
Điều này khiến không ít người mẹ cảm thấy hụt hẫng, rõ ràng họ có ý tốt muốn dọn dẹp phòng cho con mình, sao giờ lại trở thành người làm xới tung đồ đạc của con.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp cha mẹ cho rằng, con cái họ bừa bộn vì chúng lười biếng, không biết cách dọn dẹp. Tuy nhiên, cha mẹ cần xét ở một khía cạnh khác, trẻ để đồ đạc lung tung cũng có mục đích của mình. Chúng hoàn toàn có thể nhớ những đồ đạc mình ở đâu.
Ở một mức độ nhất định, chỉ cần phòng của trẻ không quá bẩn thỉu, việc trẻ để đồ đạc lộn xộn, trông có vẻ rối tung nhưng điều đó có lợi cho việc chúng phát triển.
2. Phòng khách
Ngoài phòng ngủ thì phòng khách chính là không gian khác để các thành viên trong gia đình nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày làm việc vất vả. Chính vì vậy, không ít bậc cha mẹ nổi đóa, quát mắng, thậm chí đánh đòn nếu con bày bừa.
Bố mẹ thông minh thì không nên làm vậy. Như đã nói ở trên, sự bày bừa chính là quá trình trẻ khám phá, tìm hiểu về mọi sự vật, sự việc xung quanh. Bố mẹ hãy cứ để con bày bừa nhưng sau đó hướng dẫn con cách dọn dẹp, thay vì quát mắng. Sự nổi nóng của bố mẹ không chỉ khiến con mất đi khả năng, tư duy sáng tạo mà nhiều khi còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mình và con cái, khiến con cảm thấy sợ hãi.
Làm thế nào để tạo ra một môi trường phù hợp với trẻ?
Cách làm rất đơn giản, đó là tạo môi trường khám phá phù hợp với đặc điểm hoạt động theo từng độ tuổi của trẻ. Điều này có thể giúp trẻ không mất đi sự ham muốn khám phá thế giới.
Cốt lõi của “sự hỗn loạn có trật tự” là để cho trẻ được vừa tự do vừa kỷ luật
Trước tiên, người mẹ cần trao đổi với trẻ những nội quy trong nhà. Chẳng hạn như được chơi đùa trong một phạm vi đã quy định (quyền tự do), nếu vượt qua ranh giới này sẽ bị phê bình, thường phạt rõ ràng (tính kỷ luật).
Cho phép trẻ chơi với nhiều loại đồ chơi, sách, vật dụng gia đình an toàn. Chuẩn bị một góc chơi đùa dành riêng cho trẻ, để chúng thỏa sức chơi trong lãnh địa bé nhỏ của mình. Nếu trẻ muốn vẽ, bố mẹ có thể chuẩn bị giấy dán lên tường sẵn và chỉ được chơi trong một phạm vi nhất định.
Sau khi trẻ chơi xong, bố mẹ làm gương và hướng dẫn trẻ thu dọn đồ, cất vào chỗ cũ. Điều này sẽ rèn luyện cho trẻ thói quen tự giác và ý thức ngăn nắp.
Tóm lại, sự hỗn loạn có trật tự là cách giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tối ưu nhất. Nó không chỉ bảo vệ ham muốn khám phá của trẻ mà còn giúp chúng hình thành những thói quen tốt.