Hành động này của trẻ có thể gây phiền phức cho cha mẹ nhưng nó cần thiết trong quá trình phát triển.
- Giải mã tiếng khóc của bé: Hướng dẫn hiểu cách giao tiếp của trẻ
- Nếu bạn dạy con được điều này, đi tới đâu bé cũng sẽ được mọi người yêu thương
Em bé lớn lên từng ngày, mỗi ngày mang đến cho cha mẹ những bất ngờ khác nhau từ việc lật, ngồi dậy, bò, đứng đi, gọi "bố", "mẹ". Tuy nhiên, trong quá trình này có một số trẻ không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn trong vòng tay cha mẹ, chúng thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, đôi khi gây ra nhiều rắc rối không mong muốn.
Một trong những điều khiến nhiều bậc cha mẹ phiền lòng nhất là con mình thích lục tủ, sau đó vứt hết mọi thứ bên trong ra. Từ một hành vi nhỏ này, dần dần trẻ vứt mọi thứ trong tay mình, từ món đồ chơi cho tới giày dép trong kệ, thậm chí bát đũa vừa mang lên bàn cũng bị vứt đi.
Có vẻ như trò chơi "ném và nhặt" trẻ rất thích nhưng lại khiến cha mẹ bực bội khi phải dọn dẹp.
Có một điều không phải cha mẹ nào cũng biết đó là việc trẻ thích ném đồ là một giai đoạn phát triển cần thiết, cũng giống như mút tay, lật, bò là cách để trẻ học hỏi và khám phá.
Ném đồ là dấu hiệu trí não của trẻ phát triển
Đừng coi thường hành động ném đồ đạc của trẻ, bởi đằng sau nó không hề đơn giản. Trẻ cần phối hợp tay và mắt, chúng điều khiển đôi tay của mình để thực hiện chính xác các hành đọng như đưa tay ra, nắm lấy, nhặt lên và thả ra.
Trẻ phải dùng một lượng sức mạnh nhất định của cánh tay để nâng nó lên cao rồi ném nó ra một tiếng động lớn. Chuỗi động tác này đòi hỏi trẻ khoảng 1 tuổi mới có thể thành thạo các kỹ năng.
Trong quá trình ném đồ vật nhiều lần, trẻ có thể rèn luyện các cơ ở tay, các cử động khác cũng được phát triển tốt. Đồng thời, trẻ cũng có thể cảm nhận được sự lên xuống và khoảng cách bay của một vật thể sau khi nó được ném. Khả năng phân tích logic của trẻ từ đó cũng sẽ được cải thiện rất nhiều.
Ném đồ vật là cách trẻ khám phá và tìm hiểu thế giới
Cùng với các chuyển động của đồ vật, nhiều câu hỏi, ý tưởng sẽ nảy sinh trong đầu trẻ nên trẻ càng tỏ ra thích thú, không ngừng cố gắng, khám phá nhiều lần hơn.
Ban đầu, trẻ ném đồ vật như một hành vi khám phá. Nhưng khi trẻ lớn lên, đặc biệt là sau 1 tuổi rưỡi, ý nghĩa của hành động này đã bắt đầu thay đổi.
Bởi vì khả năng tự nhận thức của trẻ phát triển và bắt đầu có quan điểm, cảm xúc của riêng mình nên việc ném đồ đạc không còn là một hành vi khám phá đơn giản nữa. Khi gặp vấn đề và không biết diễn đạt như thế nào, trẻ có thể trút giận bằng cách ném đồ đạc.
Làm thế nào để hướng dẫn khi trẻ thích ném đồ?
Vì trẻ vứt đồ đạc là dấu hiệu của sự trưởng thành nên cha mẹ không thể bỏ qua giai đoạn này và cần chú ý những điều dưới đây:
- Khuyến khích nếu trẻ có muốn khám phá thế giới
Nếu trẻ ném đồ đạc vì mục đích vui chơi và khám phá, trong trường hợp này cha mẹ không được ngăn cản trẻ ném.
Tuy nhiên, hành vi ném của trẻ có thể gây hư hỏng và mang đến một số yếu tố không an toàn. Vì vậy, cha mẹ không thể bỏ mặc mà cần làm những điều sau:
1. Hãy cho trẻ biết những đồ vật không thể vứt, vì trẻ không có khả năng phán đoán và không có cảm giác an toàn. Nếu không, bạn không biết giây tiếp theo con mình sẽ ném ra thứ gì, có thể là đồ dùng dễ vỡ, súp nóng, dao sắc, v.v.
2. Khi trẻ cố ném đồ vật mà lẽ ra không nên vứt, cha mẹ nên có thái độ rõ ràng và nghiêm khắc nói cho trẻ biết đồ vật đó dùng để làm gì, tại sao không được ném và hậu quả sẽ ra sao nếu nó bị vứt đi.
3. Chuẩn bị một số đồ chơi thích hợp để ném cho bé như bóng, đĩa nhựa xốp, đồ chơi nhồi bông, v.v. Cha mẹ có thể cùng trẻ ném cho nhau, hoặc giúp trẻ nhặt rồi ném đi, điều này có thể thúc đẩy tốt mối quan hệ cha mẹ và con cái.
4. Cất giữ những đồ vật không an toàn trong nhà để tránh gây tổn hại cho trẻ, đồng thời cất giữ những đồ có giá trị để tránh những tổn thất không đáng có.
- Ngăn cản nếu trẻ ném đồ đạc vì tức giận
Đối với hành vi ném đồ đạc khi trẻ mất bình tĩnh, cha mẹ tốt nhất nên hướng dẫn trẻ thể hiện cảm xúc của mình. Nếu trẻ chỉ đơn giản là đang tìm kiếm sự chú ý, hãy thỏa mãn điều đó.
Cha mẹ có thể nói cho trẻ biết không nên ném đồ khi tức giận, hỏi lý do, cùng nhau giải quyết sự khó chịu này. Trong trường hợp trẻ còn nhỏ chưa biết diễn đạt, cha mẹ làm điều gì đó cho chúng hoặc chuyển hướng sự chú ý. Nếu trẻ sẵn lòng, cha mẹ bày trẻ hít một hơi thật sâu, giậm chân, chạy, nhảy,… để nhanh chóng trút bỏ cảm xúc.