Cornelius Vanderbilt, ông vua đường sắt nước Mỹ thế kỷ 19, người giàu có với khối tài sản tương đương 250 tỉ USD hiện tại, được mệnh danh là người dẫn đường và mở lối cho nước Mỹ bước vào một kỷ nguyên mới, sau đống đổ nát của cuộc nội chiến Nam Bắc.
- Cưỡng chế 18 công trình 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn ngay trong tháng 11
- Vụ bán, kinh doanh căn hộ trên đất quốc phòng ở Khánh Hòa, Lâm Đồng: Xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm
Bỏ học năm 11 tuổi, Cornelius Vanderbilt làm việc trên phà của cha mình ở cảng New York. Tới năm 16 tuổi, ông vay 100USD để mua chiếc thuyền đầu tiên của mình và bắt đầu kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá trên chiếc thuyền của mình, lợi nhuận dồn dập được ông dùng để mua thêm những chiếc thuyền mới. Tới những năm 1830, ở tuổi 36, Vanderbilt đã xây dựng nên một đế chế vận chuyển bằng thuyền lớn nhất quốc gia.
Bối cảnh lịch sử Hoa Kỳ trong thế kỷ 19 gồm nhiều chuỗi sự kiện quan trọng, góp phần tạo ra tính cách của nước Mỹ đến tận ngày hôm nay. Sản xuất công nghiệp Mỹ khi ấy đứng hàng thứ tư thế giới. Để tăng cạnh tranh với các nước Châu Âu, yêu cầu phát triển kinh tế mang tính đồng bộ trong công nghiệp và nông nghiệp trở nên bức thiết. Trong khi đó, sự tồn tại của chế độ nô lệ ở miền Nam không chỉ gây tranh cãi ở khía cạnh đạo đức mà còn là trở ngại trên con đường phát triển kinh tế bởi sự lạc hậu, yếu kém của mô hình này. Kinh tế đồn điền độc canh cây bông đã làm cho đất đai ở miền Nam suy kiệt, hơn nữa các chủ nô miền Nam không chịu áp dụng các thành tựu kỹ thuật để cải tiến mà lại muốn mở rộng diện tích trồng bông sang những vùng đất màu mỡ mới. Trong khi đó, ở miền Bắc, công nghiệp phát triển mạnh cần có nơi cung cấp nguyên liệu nên các chủ kinh doanh miền Bắc cũng muốn tìm đến những vùng đất phì nhiêu để trồng ngô, lúa mì và chăn nuôi gia súc. Việc nước Mỹ mở rộng về phía Tây với các vùng đất mới góp phần gia tăng mâu thuẫn giữa giới tư bản công nghiệp miền Bắc và giới chủ nô đồn điền miền Nam. Sự kiện Tổng thống Abraham Lincoln đắc cử năm 1861, với chủ trương ủng hộ xoá bỏ chế độ nô lệ, góp phần kéo theo sự kiện ly khai của 11 bang miền Nam. Nước Mỹ lâm vào cảnh nội chiến, kéo dài 4 năm và dẫn đến cái chết của 750.000 binh sĩ.
Năm 1964, ở tuổi 70, Cornelius Vanderbilt đưa ra một quyết định táo bạo, bán toàn bộ tài sản tàu thuyền của mình để đầu tư vào đường sắt, trị giá 10 triệu USD lúc đó (tương đương 30 tỉ USD hiện nay). Một năm sau, nội chiến kết thúc, chiến thắng thuộc về miền Bắc, chế độ nô lệ chính thức bị xoá bỏ, nước Mỹ bước vào thời kỳ tái thiết. Nhu cầu cho thời kỳ tái thiết này là vận chuyển, hành khách và hàng hoá đầy ắp những chuyến tàu của Vanderbilt. Ông trở thành người giàu có nhất nước Mỹ trong vòng 2 năm. Khi qua đời, Cornelius Vanderbilt để lại khối tài sản hơn 100 triệu USD. Vào thời điểm đó, số tiền này còn nhiều hơn cả ngân khố Mỹ.
Các đại gia khác, vì thế, cũng đầu tư vào đường sắt, tạo ra kỷ nguyên phát triển chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, khởi đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp 2.0.
Sau khi Cornelius Vanderbilt qua đời, tài sản của ông được kế thừa. Con trai ông, William Henry Vanderbilt, chỉ sống thêm 8 năm sau khi ông qua đời, làm gia tăng gấp đôi tài sản của dòng họ. Cháu nội ông, con trai của William, là Cornelius Vanderbilt II trở thành nhà từ thiện nổi tiếng và chủ nhân của kiệt tác kiến trúc thế giới, toà lâu đài "The Breakers".
The Breakers được xây dựng trong vòng 3 năm, một thời gian khá ngắn so với kích thước và độ hoành tráng của tòa nhà. Những nguyên liệu quý nhất được chuyển về từ khắp nơi trên thế giới: Cẩm thạch từ Ý, gỗ quý từ Châu Phi, gạch lát từ Trung Đông và Châu Á. Nhiều bộ phận của The Breakers được gỡ trực tiếp từ các lâu đài Pháp và chuyển về Hoa Kỳ. Khi hoàn thành, The Breakers đã tiêu tốn của Cornelius Vanderbilt II số tiền tương đương với 335 triệu USD hiện nay.
Sau những năm 1920, đường sắt dần được thay thế bởi các phương tiện khác, cùng với cuộc đại khủng hoảng kinh tế, đã làm tiêu tán dòng họ giàu nhất nước Mỹ một thời, và toà lâu đài The Breakers gần như là di sản hiếm hoi còn lại của dòng họ này sau bao thăng trầm.