Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền nên sửa các quy định về khống chế chi phí lãi vay theo hướng linh hoạt hơn, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển trên cơ sở vẫn phải đảm bảo việc chống chuyển giá, trốn thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
- Nhận biết những "chiêu lừa" bán đất thời điểm cuối năm để tránh bị sập bẫy cò
- Lợi tức từ cho thuê căn hộ tại TP.HCM đang giảm
Thủ tướng, Phó Thủ tướng liên tục "đốc thúc" sửa Nghị định
Trước những bật cập của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang đặt ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền nên sửa các quy định về khống chế chi phí lãi vay theo hướng linh hoạt hơn, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển trên cơ sở vẫn phải đảm bảo việc chống chuyển giá, trốn thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành Tài chính ngày 12/7/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật đang có vướng mắc. Trong đó, có quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định 20.
"Nghị định 20 Thủ tướng Chính phủ 3 lần nhắc chuyện này rồi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.
Hơn 4 tháng sau lời nhắc nhở của Phó Thủ tướng, Nghị định 20 vẫn chưa có động thái nào được sửa đổi hay tạm dừng thực thi như đề xuất của nhiều doanh nghiệp.
Sự việc lại một lần nữa được nêu ra tại cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20, hôm 29/11. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng.
Theo Phó Thủ tướng, sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá. Việc sửa đổi phải theo quy trình rút gọn, không chờ Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện toàn diện Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời bảo đảm kịp thời gian quyết toán thuế năm 2019.
Liên quan đến nội dung này, sáng 15/8, tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) về kế hoạch sửa đổi Nghị định 20, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị định 20 sau khi ra đời đã phát huy tác dụng rất tốt. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính và cơ quan thuế đã giúp giảm lỗ 37.000 tỷ đồng trong năm 2017 và 40.000 tỷ trong năm 2018. Số giảm lỗ kỳ này sẽ phân bổ vào lãi các kỳ sau, giúp tăng thu ngân sách.
"Về kế hoạch triển khai Luật quản lý thuế, Thủ tướng đã chỉ đạo cần sửa Nghị định 20, trong đó tập trung vào Khoản 3, Điều 8. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ trình Chính phủ nhưng trước tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, trình theo quy trình rút gọn để đẩy nhanh tiến độ sửa Khoản 3, Điều 8.
Khoản 3, Điều 8 sẽ được sửa triệt để khi chúng ta sửa Luật thuế TNDN", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Sửa Nghị định 20 thế nào?
Nhiều quan điểm cho rằng, Nghị định 20 là một bài học đắt giá với Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ – một bất cập rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập, minh bạch hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn Thuế Việt Nam, việc sửa đổi Nghị định này là khả thi bởi việc khống chế chi phí lãi vay không nên áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước không có giao dịch xuyên biên giới hoặc các công ty mẹ - công ty con có cùng một mức thuế suất.
Bà cho rằng, doanh nghiệp hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế suất thì không thể trốn thuế. Vì thế, cần nghiên cứu sớm để từng bước sửa đổi Nghị định sớm và phù hợp.
Ông Nguyễn Việt Anh - chuyên gia thuế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nêu giải pháp cho vấn đề này. Theo ông, Bộ Tài chính có thể đưa ra quy định cho phép các doanh nghiệp được chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào các năm tiếp theo khi doanh nghiệp có khả năng khấu trừ, tương tự như quy định chuyển lỗ hiện nay. Chi phí lãi vay có thể tính trên cơ sở "thuần" để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cho vay trong nội bộ tập đoàn. Đối với những doanh nghiệp thực sự vay nợ bên thứ ba nhiều, có thể cho phép người nộp thuế áp dụng tỷ lệ tập đoàn thay cho hạn chế theo EBITDA ở mức 20%.
Theo kiến nghị này, nếu tập đoàn có doanh nghiệp thành viên trả chi phí lãi vay cho bên không liên kết vượt trên mức 20% của EBITDA của tập đoàn, doanh nghiệp đó có thể áp dụng tỷ lệ cao hơn để xác định khoản chi phí lãi vay được phép khấu trừ trong việc tính toán nghĩa vụ thuế.
Nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu quy định về khống chế trần lãi vay không sửa đổi cho phù hợp với thực tế mà phải chờ sửa đổi theo Luật Quản lý thuế thì thiệt hại cộng đồng doanh nghiệp trong nước còn nặng nề gấp ba, bốn lần hiện nay vì phải chờ.
Hoặc nếu có việc sửa đổi Nghị định 20 thì phải áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2017 chứ không phải từ 2020 mới áp dụng. Và thời gian chờ sửa Nghị định, nếu có quyết định tạm dừng thì hợp lý hơn.