Tại nhiều dự án bất động sản, ngoài tiền nộp theo Hợp đồng mua bán, mỗi khách hàng mua căn hộ phải nộp thêm khoản tiền ngoài hợp đồng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt thời gian gần đây, trên thị trường bất động sản, không chỉ riêng các dự án nhà ở xã hội, nhiều dự án nhà ở thương mại cũng đang xuất hiện tình trạng bán nhà hai giá. Theo cách thức chung là, ngoài tiền trên Hợp đồng mua bán, người mua sẽ phải trả thêm tiền chênh lớn qua các tên gọi như: “hợp đồng góp vốn”, “phí dịch vụ”, “cơ hội mua”… để sở hữu căn hộ.
Theo giải thích của các nhân viên môi giới, việc đóng tiền chênh như vậy nhằm 2 mục đích và nó sẽ có lợi cho cả người bán và người mua: Người mua đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và cũng có lợi cho chủ đầu tư vì cũng bớt phải đóng thuế.
Điển hình như, tại dự án Dreamland Bonanza 23 Duy Tân (Cầu Giấy, TP. Hà Nội) do Công ty CP đầu tư bất động sản Vinaland làm chủ đầu tư. Giá căn hộ tại đây dao động 2 - 6 tỷ đồng (từ 34-36 triệu đồng/m2) tuỳ vào vị trí, diện tích và vị trí tầng.
Thế nhưng, tổng giá trị một căn hộ Dreamland Bonanza chia thành 2 khoản thu gồm: Giá trị căn hộ trong Hợp đồng mua bán (gồm VAT, chưa bảo trì) và phí dịch vụ tư vấn. Đơn cử như, căn hộ 12A15 có diện tích 174.6 m2; Tổng giá trị căn hộ là hơn 6,2 tỷ đồng nhưng tiền khách hàng vào trong Hợp đồng mua bán chỉ gần 5,3 tỷ đồng, số tiền chênh còn lại là hơn 986 triệu đồng được yêu cầu đóng theo nội dung “phí dịch vụ tư vấn”.
Tương tự, tại dự án Tòa nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân cao 27 tầng (Hoàng Mai, TP. Hà Nội) do Công ty TNHH phát triển đô thị và xây dựng 379 và Công ty Cổ phần công nghiệp Hàn Việt làm chủ đầu tư, vào thời điểm tháng 3.2019, giá bán được chủ đầu tư đưa ra là khoảng 18-21 triệu/m2, tương đương từ 1,2 -1,6 tỷ đồng tuỳ vào diện tích căn hộ 2 phòng ngủ hoặc 3 phòng ngủ.
Thế nhưng, căn hộ dự án Athena Complex Pháp Vân có giá bán thực tế cao hơn giá bán vào Hợp đồng mua bán. Tiền chênh từ 50-340 triệu đồng/căn này được quy về “hệ số”, số tiền này không có hoá đơn. Đơn cử như: Căn hộ A1201, diện tích 90,5m có giá bán là 1,6 tỷ đồng tương đương giá bán thực tế là 21,8 triệu đồng/m2, tuy nhiên giá bán ghi trên Hợp đồng mua bán là 18 triệu đồng/m2. Số tiền chênh khách hàng phải thanh toán thêm cho căn hộ này là 343,9 triệu đồng.
Cũng theo khảo sát của PV Dân Việt, không riêng dự án chung cư, hiện rất nhiều dự án liền kề, nhà phố thương mại, đất phân lô tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên cũng xảy ra tình trạng chênh giá hàng tỷ đồng.
Ghi nhận vào tháng 3/2019, những lô liền kề tại dự án Golden Pearl (Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ, Hoàng Mai, TP. Hà Nội) được bán với giá thực tế từ 98 -102 triệu đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị Hợp đồng mua bán (gồm đất và xây thô) thấp hơn so với tổng giá trị của một lô liền kề 71m2 và 115m2 tương ứng là 3,4 và 6,5 tỷ đồng. Số tiền chênh giữa giá trị thực tế khách hàng phải thanh toán so với Hợp đồng mua bán được quy vào mục “cơ hội mua”.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong quy định của pháp luật, tất cả các loại hợp đồng mua bán thương mại phải có chứng từ, hóa đơn, giấy biên nhận. Tại Điều 15 Luật Kinh doanh BĐS 2014 cũng quy định rõ: “Giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng”.
Vì vậy, trong trường hợp mua nhà hai giá, nếu tranh chấp xảy ra hoặc khi khách hàng không muốn mua nữa mà muốn lấy lại tiền thì không thể đòi lại được số tiền bên ngoài hợp đồng.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, nếu điều đó xảy ra, đương nhiên, đây là thiệt thòi lớn đối với người mua. Có thể chủ đầu tư sẵn sàng trả lại tiền cho khách hàng nhưng sẽ chỉ trả lại số tiền ghi trong hợp đồng... Thêm nữa, đây cũng có thể coi là hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản.