Tổng giá trị tồn kho bất động sản tính đến hết 20/8/2018 là khoảng 23.692 tỷ đồng...
- Nở rộ kinh doanh homestay ven Hà Nội
- Nhà ống trong ngõ nhỏ Hà Nội đẹp mãn nhãn khi xuất hiện trên báo Tây
Trước thềm các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Bộ Xây dựng gửi Quốc hội báo cáo về việc thực hiện lời hứa, trong đó cho biết, lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, đến hết 20/8/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỷ đồng.
Dù sao, con số 23.692 tỷ đồng này, cũng là khá lạc quan, vì nếu so với lúc đỉnh điểm ở quý 1/2013 đã giảm 104.856 tỷ đồng (giảm 81,57%); so với tháng 12/2016 giảm 7.331 tỷ đồng (giảm 23,63%); so với 20/12/2017 giảm 1.690 tỷ đồng (giảm 6,66%); so với 20/7/2018 giảm 158 tỷ đồng.
Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, theo Bộ Xây dựng, nhìn chung phát triển khá ổn định. Giá nhà ở trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 không có nhiều biến động lớn, một số dự án tại các khu vực gần trung tâm, có hạ tầng đầy đủ, chủ đầu tư có uy tín, triển khai đúng tiến độ, giá chào bán tăng nhẹ.
Tuy nhiên, sau 3 năm tăng trưởng liên tục, từ 2013 đến 2016, thị trường bất động sản 2017 có xu hướng chững lại. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản hoạt động bình thường, giá cả không có biến động so với cùng kỳ năm 2017, tồn kho tiếp tục giảm mạnh.
Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản, tại Hà Nội trong năm 2016 có khoảng 15.400 giao dịch thành công, tại Tp.HCM trong năm 2016 có 15.255 giao dịch thành công.
Tại Hà Nội năm 2017 có khoảng 14.800 giao dịch thành công (giảm 4,2% so với năm 2016), trong 6 tháng đầu năm 2018 có khoảng 8.350 giao dịch thành công (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2017).
Tại Tp.HCM năm 2017 có khoảng 16.220 giao dịch thành công (tăng 6,3% so với năm 2016), 6 tháng đầu năm 2018 có khoảng 9.550 giao dịch thành công (tăng 31,4 so với cùng kỳ năm 2017).
Cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từng bước hình thành theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Nhiều doanh nghiệp đã định hình và từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trong từng lĩnh vực hoạt động, loại hình, phân khúc sản phẩm bất động sản. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang phát triển các dự án nhà ở xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị.
Nhìn nhận về những điểm yếu, Bộ Xây dựng cho rằng, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân (theo cách đánh giá chung hiện nay là: giá nhà ở là vừa phải nếu lợi nhuận cho thuê đạt xấp xỉ lãi suất tiền gửi ngân hàng).
Giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin-cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.
Thị trường bất động sản phát triển chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ các cơ quan nhà nước, nhất là ở địa phương. Hệ thống thông tin về tình hình thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản đồng bộ để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước.
Bộ Xây dựng cho biết, về tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính tại một số địa phương trong thời gian vừa qua (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tp.HCM), Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm ổn định thị trường bất động sản.
Đối với các địa phương dự kiến thành lập đặc khu, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo để xử lý tình trạng nêu trên, cụ thể là, ngày 11/5/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 178/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang "Có biện pháp kiên quyết và có hiệu lực để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, rừng, môi trường và xây dựng, ngăn chặn tình trạng mua bán đất đai và xây dựng trái phép đang diễn ra phức tạp tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn bảo đảm trật tự xã hội, không để cò đất, xã hội đen mua bán đất lộng hành đẩy giá lên cao trên địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để tiếp diễn tình trạng nêu trên".
Tại văn bản số 4697/VPCP-QHĐP ngày 20/5/2018 của Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị báo cáo về công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là một số địa phương dự kiến thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Các địa phương cũng đã có một số động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn chặn việc tách thửa, giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp và tuyên truyền đến người dân. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đang dần ổn định trở lại.