Nhiều địa phương ‘vào cuộc’ chấn chỉnh thị trường bất động sản

Nhà đất 01/06/2019 11:43

Ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo "nóng" về một số giải pháp cải thiện, thúc đẩy thị trường bất động sản, chính quyền nhiều địa phương đã liên tục ban hành các chỉ thị thu hồi, thanh tra, rà soát đất đai, chấn chỉnh thị trường bất động sản địa phương này.

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện Sở này đã lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện pháp luật kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, qua đó sẽ xem xét xử lý các sai phạm của các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị theo quy định pháp luật.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn TP. Phan Thiết đang diễn ra phức tạp, nhất là khu vực phường Phú Hài, Mũi Né (2 bên đường Võ Nguyên Giáp, khu vực quy hoạch sân bay Phan Thiết) và xã Thiện Nghiệp, Tiến Thành. Tại nhiều địa phương, hoạt động môi giới, kinh doanh bất động sản trái phép cũng chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Qua rà soát sơ bộ các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh này cho thấy, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại một số dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục quy định pháp luật. Tình trạng lợi dụng các hình thức quảng cáo, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí đang được các chủ đầu tư và môi giới thực hiện để thu tiền của người mua.

Nhiều địa phương ‘vào cuộc’ chấn chỉnh thị trường bất động sản - Ảnh 1

Trên 3.000 dự án chậm triển khai, lãng phí...

Trước đó, thực hiện theo Chỉ thị 11 của Chính phủ, trong cuộc họp đầu tháng 5 họp giữa UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các sở ngành liên quan, Sở Kế hoạch & Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất thu hồi 10 dự án chậm triển khai kéo dài.

Sở này cũng đề nghị xem xét khả năng thực hiện 17 dự án, trong đó có 9 dự án đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chậm triển khai do một số vướng mắc theo quy định của Luật Đất đai. 8 dự án hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhận bàn giao mặt bằng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Còn tại Quảng Bình, hàng chục dự án đầu tư được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất nhưng nhiều năm không triển khai xây dựng. Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh này đang rà soát và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi hàng chục dự án đầu tư vi phạm Luật đất đai.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh gần đây cũng ban hành Quyết định thanh tra 7 dự án thuê đất chậm triển khai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hoà giao các Sở Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đất đai của tỉnh.

Sau đó, Quảng Bình, Bắc Ninh và Bình Dương cũng liên tiếp tuyên bố tăng cường thanh tra, quản lý, thu hồi đất đai hoang hoá.

Tính đến 24/5, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành các quyết định thu hồi chủ trương đầu tư 11 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn vì những dự án này chậm triển khai hoặc năng lực chủ đầu tư yếu kém.

Được biết, cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, từ năm 2014 đến nay thị trường bất động sản đã dần hồi phục và đang trên đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Chỉ thị này được ban hành, đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng sau: Đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai; Đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi, hoàn thành trong quý III/2019; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn trên phạm vi địa bàn.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, toàn ngành Tài nguyên Môi trường đã tiến hành hơn 2.300 cuộc; kiến nghị xử lý thu hồi diện tích 22.362ha đất.

Kết quả thanh tra chỉ ra việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương còn chậm, nhất là đối với các dự án khu thương mại, du lịch, dự án phát triển nhà ở không phải là khu đô thị mới. Có 17,8% số tỉnh, thành phố được thanh tra giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2ha. Trong đó, 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1ha.

Ngoài ra, 732 dự án với diện tích là 7.488ha đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư nhưng chậm làm thủ tục giao đất, thuê đất để triển khai thực hiện dự án và 289 dự án với diện tích 12.632,9ha đã có quyết định, thông báo thu hồi đất để giao đất đã lâu nhưng không thực hiện.

Kết quả xử lý vi phạm tại 38 tỉnh trong số 48 tỉnh có báo cáo cho thấy đã thực hiện xử lý 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9ha. Trong số này: thu hồi đất của 309 dự án với diện tích 9.033,5ha, gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 195 dự án với diện tích 798,5ha; hủy bỏ quyết định hoặc thông báo thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư tại 100 dự án với diện tích 5.387,8ha.

Dính lùm xùm thuỷ điện Tà Thàng, Bộ Công Thương vẫn chọn Vietracimex cho dự án Nhiệt điện Ô Môn II?

Từng dính tới “lùm xùm” tại dự án thủy điện Tà Thàng công suất 60MW, thuộc xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nhưng Vietracimex vẫn được chọn làm chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn II có tổng mức đầu tư 26.000 tỷ đồng khiến dư luận lo lắng?

TIN MỚI NHẤT