Cùng là dự án có sử dụng đất công ở quận 7, nhưng dự án có đất công chiếm tỷ lớn đã thông thủ tục, trong khi dự án có đất công chiếm tỷ lệ nhỏ hơn thì “trầy trật” kiến nghị vẫn chưa được giải quyết.
- Nhiều dự án nghìn tỷ "đắp chiếu", Long An "trải thảm đỏ" cho nhà đầu tư
- "Xẻ thịt" công viên Cầu Giấy: Người dân căng băng rôn đỏ chung cư
Vướng 2,2% đất công phải kiến nghị lên Thủ tướng
Đây là vấn đề thực tế đang diễn ra tại TP.HCM, được nêu trong văn bản kiến nghị khẩn trương giải quyết những ách tắc lớn nhất của doanh nghiệp, do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tư pháp xem xét, ngày 8/4/2019.
Trong đó, một trường hợp điển hình được nêu ra là Dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tên thương mại là Q7 Saigon Riverside Complex), tại phường Phú Thuận, quận 7. Q7 Saigon Riverside Complex có diện tích 77.354,8m2, theo Quyết định số 1846/QĐ-UBND, ngày 7/5/2018 của UBND TP.HCM.
HoREA cho biết, dự án có 1.758,5m2 đất công, chiếm tỷ lệ 2,2% diện tích, nằm phân tán trong 5 thửa đất xen cài trong dự án. Trong đó, đất có nguồn gốc đất rạch 284,5m2; đất thu hồi để mở đường giao thông khu vực 1.279m2; đất lưu không 194,5m2. Do có 1.758,5m2 đất công trong ranh dự án mà chủ đầu tư chưa được cấp sổ đỏ.
Vướng mắc này rất phổ biến tại nhiều dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công (đường nội bộ, hẻm, lối đi, đường mòn, đất hở, kênh mương nội đồng...), thường chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án. Trong đó, có nhiều dự án có tỷ lệ đất công chỉ chiếm dưới 5% diện tích dự án. Tất cả các dự án này hiện nay đang bị ách tắc việc tính tiền sử dụng đất.
Dự án trên 60% đất công ‘đi cửa riêng’?
Kiến nghị giao đất công không qua đấu giá, của HoREA, chỉ gói gọn với dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công (đường nội bộ, hẻm, lối đi, đất hở, kênh mương nội đồng...), chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Rất nhiều dự án vướng mắc, doanh nghiệp và người dân đã mua nhà mòn mỏi chờ thông thủ tục thì chưa được giải quyết. Nhưng lại có dự án mà tỷ lệ đất công chiếm đến trên 60% thì lại được giải quyết thủ tục mà không bị vướng mắc.
Trường hợp cá biệt này đã diễn ra tại dự án Đức Long Golden Land (tên khác là Sunshine Apartment hay Dragon Court), phường Tân Thuận Tây, quận 7. Theo thông tin giới thiệu, dự án Đức Long Golden Land có tổng diện tích 11.000 m2, do Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long (Thành viên của Đức Long Gia Lai Land) làm chủ đầu tư. Trong đó, báo cáo gần đây của Sở Xây dựng, cho biết, dự án này được giao 6.641,1m2 đất công theo quy định và không gây thiệt hại cho nhà nước.
Cụ thể, Sở này cho biết, ngày 31/7/2017, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã có công văn 7629 đề nghị UBND quận 7, Văn phòng đăng ký đất đai rà soát nguồn gốc pháp lý của dự án Đức Long Golden Land, kể cả phần đất công nằm trong dự án.
Ngày 31/8/2017, UBND quận 7 có công văn 4686 gửi Sở Tài nguyên - Môi trường xác nhận diện tích đất có nguồn gốc đất công do Nhà nước quản lý trong dự án là 6.641,1m2.
Ngày 30/11/2017, UBND quận 7 có công văn 6531 gửi Sở Tài nguyên – Môi trường. Công văn này thông tin phần diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong dự án là 6.962,9m2. Tuy nhiên hiện nay, UBND quận 7 không có nhu cầu sử dụng diện tích đất nêu trên. Do vậy, việc Công ty Vạn Gia Long - chủ đầu tư dự án xin sử dụng để thực hiện dự án là đúng theo kế hoạch sử dụng đất năm 2017 được UBND TP.HCM phê duyệt.
Ngày 27/10/2017, UBND TP.HCM có quyết định 5733 chấp thuận cho Công ty Vạn Gia Long được sử dụng phần đất trên để thực hiện dự án. Qua đó, giao Vạn Gia Long sử dụng 6.641,1m2 đất do Nhà nước quản lý để thực hiện dự án. Hình thức, thời hạn sử dụng đất là giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng là 50 năm.
Cũng theo Sở Xây dựng, chủ đầu tư này đã liên hệ cơ quan chức năng thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Như vậy, việc UBND TP.HCM giao đất và thu tiền sử dụng đất với phần đất thuộc Nhà nước quản lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Sự việc 2 dự án cùng có đất công, nhưng dự án có tỉ lệ đất công trên 60% thì thông thủ tục, dự án có tỉ lệ đất công chỉ 2,2% thì bị vướng, khiến dư luận không khỏi lo ngại về việc tạo môi trường kinh doanh công bằng giữa các doanh nghiệp.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại việc giao đất công tại dự án Đức Long Golden Land theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, để đảm bảo việc thực thi dự án theo đúng quy định pháp luật, tránh việc thất thoát tài sản công vì không qua đấu giá.