HoREA kiến nghị xử lý về đất công và đạo đức công vụ

Nhà đất 04/05/2019 12:28

Đây là 2 trong số những vấn đề trọng điểm được đưa ra trong kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tại Diễn đàn kinh tế tư nhân vừa diễn ra

Ngoài ra, HoREA cũng nêu hàng loạt bất cập và kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho bất động sản.

Thị trường bất động sản còn nhiều bất cập

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện nay môi trường kinh doanh có chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng vẫn chưa thật sự minh bạch, lành mạnh, công bằng, bình đẳng. Thị trường đã có hiện tượng hình thành nhóm lợi ích trong lĩnh vực bất động sản, kể cả một số dự án BT được thanh toán đối ứng bằng quỹ đất đô thị. Điều này dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đợt rà soát, thanh tra, kiểm toán rất quyết liệt trong thời gian vừa qua.

HoREA kiến nghị xử lý về đất công và đạo đức công vụ - Ảnh 1

HoRea kiến nghị xử lý về đất công 

Doanh nghiệp bất động sản đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản. Nguyên nhân là do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách; hiện tượng áp dụng “hồi tố” đối với một số trường hợp trong thời gian gần đây; doanh nghiệp không tiên lượng được về chi phí trước khi ra quyết định đầu tư…

Chưa kể, thị trường bất động sản bị giảm quy mô, nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do quy luật cung-cầu. Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất cũng giảm khoảng 70%. 

Chủ tịch HoREA cho rằng nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản còn nhiều bất cập là do điểm nghẽn về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đảm bảo tính hệ thống, thống nhất. 

Không những vậy, công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Cùng một hệ thống pháp luật như nhau, nhưng có địa phương bị vướng, nhiều địa phương khác lại không bị vướng. Thủ tục hành chính, quy trình hành chính cũng còn nhiêu khê, trùng lắp.

Đặc biệt, trách nhiệm thi hành công vụ và năng lực của một số cán bộ công chức nhà nước chưa đạt yêu cầu, trong giải quyết hồ sơ dự án bất động sản. Tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, chuyển lòng vòng, không nêu rõ chính kiến khá phổ biến và vẫn còn tình trạng làm khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Cần nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức

 Trong lúc chờ đợi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Chứng khoán..., Chủ tịch HoREA đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc phát triển thị trường bất động sản.

Cụ thể, HoREA đề nghị cán bộ, công chức hiểu luật và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, không máy móc, lệ thuộc từ ngữ. 

HoREA kiến nghị xử lý về đất công và đạo đức công vụ - Ảnh 2

Cần nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức

Về thủ tục hành chính, cơ quan này đề nghị các Bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, đơn giản hoá, công khai hoá, minh bạch các thủ tục, quy trình hành chính.

Chấp thuận chủ đầu tư dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có một tỷ lệ nhỏ đất công (chiếm khoảng 10%); hoặc quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án hiện nay. TP.HCM đã rút gọn thủ tục hành chính khi cấp phép xây dựng thì đồng thời thẩm định thiết kế dự án luôn. 

Về trách nhiệm thi hành công vụ, đạo đức công vụ, Hiệp hội nói rằng cần nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, đạo đức công vụ. Trước hết, kiến nghị công bố công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính. Không để cán bộ, công chức tiếp cận với người dân, doanh nghiệp trong quá trình thụ lý hồ sơ, bằng cách đẩy mạnh cơ chế Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về dùng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư BT. Việc này nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay và mở đường huy động các nguồn lực tư nhân tham gia phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức đối tác công-tư. Đồng thời, thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.

Khánh Hòa sắp cho chuyển nhượng trở lại đất ở Bắc Vân Phong

Sau gần một năm “đóng băng” để tăng cường công tác quản lý, sắp tới đây, Khánh Hòa sẽ cho phép chuyển nhượng trở lại đất đai ở huyện Vạn Ninh (nơi chọn làm đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong).

TIN MỚI NHẤT