Thu nhập khó đua với giá nhà đất đó là thực tế đang diễn ra trên thị trường BĐS. Khi ước mơ mua nhà ngày càng khó thì những người trẻ cũng chỉ biết “liệu cơm gắp mắm”.
- Những nghịch lý trên thị trường bất động sản năm 2020
- Những đại kỵ trong phong thủy nhà và cách hóa giải
Giá nhà đất vẫn đà tăng
Thực tế đã chứng minh giá BĐS vẫn không ngừng tăng, ngay cả khi dịch bệnh diễn ra. Lý do được giải thích là bởi nguồn cung khan hiếm, nhu cầu tăng cao khiến giá nhà đất khó giảm.
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng trong thời gian quan chưa thấy hiện tượng dự án BĐS công bố giảm giá. Chỉ có hiện tượng tặng quà khủng và khuyến mại lớn ở một số dự án để kích cầu thay vì giảm giá sản phẩm.
Cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung và cao cấp gần như không có biến động. Có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp. Giá đất nền tại các dự án do khan hiếm hàng và thuộc dòng sản phẩm được ưa chuộng nên giá loại này tiếp tục có biến động tăng.
Đáng nói, trong 9 tháng năm 2020, ở khu vực phía Bắc, hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn. Nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu /m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu /m2.
Thị trường BĐS xuất hiện nghịch lý: giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30 - 40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng /m2.
Còn tại TP.HCM, tình trạng giá BĐS thiết lập mặt bằng giá mới cũng diễn ra tương tự. Giá bán căn hộ trong quý 3/2020 còn tăng mạnh hơn, từ 15 - 20% so với quý 2/2020 nên đã tạo nên cơn sốt nhỏ trên thị trường do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao. Cũng do khan hiếm nguồn hàng, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền nên tại các huyện ven đô có sự tăng giá mạnh như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi..., với mức dao động từ 30 - 50 triệu đồng/m2, tăng từ 10 - 15% so với quý trước.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D của Công ty DKRA Vietnam, thừa nhận trong đợt vừa qua khi công bố TP.Thủ Đức khiến một vài dự án tăng rất cao, nhất là những dự án đã hình thành, tiếp tục mở bán những giai đoạn sau. Hiện nay đang có nghịch lý là do dịch Covid-19 nên sức mua giảm nhiều so với năm trước nhưng giá dự án chủ đầu tư bán ra ở thị trường sơ cấp vẫn tăng từ 10 - 15%, nhất là ở khu đông Tp.HCM.
Thu nhập người trẻ không đuổi kịp?
Lên thành phố học tập, ra trường rồi đi làm, nhiều người trẻ đang sống tại các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội ngày càng khó khăn hơn trong việc mua nhà khi giá BĐS tăng quá nhanh, khiến thu nhập của họ không đuổi kịp.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), hiện nay, căn hộ trung cấp (2 phòng) có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm. Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25- 30 triệu đồng/m 2 ) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường Tp.HCM trong hai năm qua.
Cũng theo một nghiên cứu của Batdongsan.com.vn, giá bán căn hộ tại Tp.HCM cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.
Trước đó, tại báo cáo thị trường, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA vietnam cho rằng, giá nhà đất tăng liên tục trong 5 năm qua, nhiều nơi tăng gấp 3 lần. Rất nhiều người vui nhưng cũng lắm người thở dài và họ chỉ mong sớm cầm cương giá nhà đất ở mức hợp lý. Nếu trước đây thu nhập khoảng 20 triệu đồng có thể mua được nhà trả góp nhưng hiện nay với thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng người trẻ cũng khó mua nhà bởi giá nhà đất tăng quá nhanh.
Theo đơn vị này, kể từ năm 2019 cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do hầu như thị trường không còn xuất hiện loại căn hộ giá trên dưới 1,1-1,5 tỷ đồng một căn. Cụ thể, trong 3-5 năm trở lại đây, giá căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16 -21 triệu đồng mỗi m2 nay đã chạm ngưỡng 25-36 triệu đồng mỗi m2. Giá BĐS không ngừng leo thang đã khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn với người trẻ có mức thu nhập từ 15-30 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, giá nhà trung cấp tại Tp.HCM đã chạm ngưỡng 40 - 45 triệu đồng/m2, một số dự án 50 - 60 triệu đồng/m2.
"Liệu cơm gắp mắm" là lời khuyên mà một số chuyên gia trong ngành dành cho người trẻ có tích lũy khiêm tốn đang mong muốn sở hữu chốn an cư. Theo chuyên gia, với những người trẻ có tích lũy ban đầu không nhiều thì việc sử dụng vốn vay ngân hàng để mua nhà là cần thiết. Dĩ nhiên, phải cân đối được giữa việc chi tiêu và số tiền trả nợ, không nên vay quá 50% giá trị căn nhà dễ bị áp lực là những lời khuyên được hầu hết chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra. Nếu chờ đợi đủ tiền để mua nhà đối với người trẻ là rất khó. Liều để mua nhà, vay ngân hàng và cố gắng làm việc để trả nợ cho ngôi nhà cũng là cách mà theo những người trong cuộc đó là cơ hội sở hữu nhà của người trẻ thành hiện thực.
Có một thực tế là thu nhập của người trẻ đang dần không đuổi kịp mức độ tăng giá nhà đất. Và, thị trường ngày càng cận dần, thậm chí ở đô thị lớn là tuyệt chủng các dự án căn nhà giá mềm đáp ứng nhu cầu ở thực của người trẻ. Theo đó, nỗi trăn trở của các chuyên gia trong ngành cũng xuất phát từ đây. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng Hội môi giới BĐS Việt Nam – KV miền Nam, cái khó của thị trường BĐS hiện nay là giá lên cao, sẽ đẩy người dân có nhu cầu nhà ở sẽ khó khăn . Vì thế, thị trường cần lắm những dự án nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu ở thực.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng cho hay, giá nhà ở đang tăng mạnh trong thời gian qua, do đó cần có chương trình nhà ở quốc gia mang tính sâu rộng, lâu dài và vừa túi tiền dành cho những người có nhu cầu ở thực mua nhà lần đầu.
Còn theo đại diện HoREA, điều quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để kéo giảm giá nhà và ngày càng có nhiều dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhiều dự án căn hộ nhà ở thương mại giá thấp và nhiều dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động, các gia đình trẻ và người nhập cư là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở lâu dài, vừa phát triển thị trường BĐS theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.