Giới luật sư cho rằng, Công ty Thuận Lợi ngang nhiên phân lô, bán nền trên đất công khi chưa được chấp thuận chủ trương giao đất là có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Nhà thầu xin chấm dứt DA hơn 800 tỷ: Tỉnh Phú Thọ "cầu cứu" Trung ương
- Công ty Thuận Lợi đổ lỗi cho khách hàng trong vụ bán đất công trái phép?
Lấn chiếm đất công rồi phân lô, bán nền
Liên quan đến vụ việc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi) ngang nhiên chiếm hơn 7.550m2 đất công rồi phân lô, bán nền cho khách hàng xây dựng nhà trái phép, ngày 8/8, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp cùng các sở ban ngành, UBND thị xã Bến Cát kiểm tra, rà soát lại và xử lý nghiêm những sai phạm tại dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4.
Cũng liên quan đến vụ việc này, Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã báo cáo lên Ban Giám đốc Công an tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo.
Như Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát do Công ty Thuận Lợi làm chủ đầu tư bị nhiều khách hàng “tố” chủ đầu tư đem bán đất công thu bất chính hàng tỷ đồng. Qua điều tra, dự án này trước đó từng bị cơ quan chức năng xử phạt và ra văn bản yêu cầu ngưng thi công các công trình hạ tầng trên phần đất công nhưng không hiểu sao các công trình này vẫn được xây dựng hoàn chỉnh.
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 25/7, UBND tỉnh Bình Dương đã có Công văn số 3457/-UBND-KTN có nội dung “Giao UBND TX.Bến Cát tiến hành kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng theo quy định của pháp luật tại Dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 do Công ty Thuận Lợi làm chủ đầu tư. Báo cáo về UBND tỉnh trong tháng 8/2019”.
Trước đó ngày 24/7, Sở TNMT Bình Dương đã có công văn số 3657/STNMT-CCQLĐT gửi UBND tỉnh nêu rõ về nguồn gốc đất bị Công ty Thuận Lợi chiếm như sau: Khu đất diện tích hơn 7.500m2 là đất trồng cây lâu năm thuộc thửa đất số 1441 tờ bản đồ 59 đã được UBND TX.Bến Cát phê duyệt danh mục quỹ đất công ích cho UBND phường Mỹ Phước quản lý tại quyết định 351/QĐ - UBND ngày 5/2/2015. Thửa đất nêu trên nằm xen cài trong ranh dự án Khu dân cư Mỹ Phước 4 - Khu B.
Điều đáng chú ý của công văn này là tại phần “Nội dung kiến nghị”, Sở TNMT Bình Dương nêu rõ: “Hiện nay, UBND tỉnh chưa ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất diện tích hơn 7.500m2 cho Công ty Thuận Lợi nhưng đã tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng và đang xây dựng 2 căn nhà là không đúng với quy định pháp luật đất đai, xây dựng”.
Theo hồ sơ mà Dân Việt có được, mặc dù chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đồng ý giao hơn 7.500m2 đất công cho doanh nghiệp, thế nhưng Công ty Thuận Lợi đã ngang nhiên lấn chiếm, phân lô bán nền trái phép trên phần đất công ích này.
Theo đó ông Nguyễn Thuận, Tổng giám đốc Công ty Thuận Lợi đã ký “Hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai” đối với khách hàng là ông Huỳnh Đức Anh ngụ Châu Thành, Bến Tre (mua lô đất ký hiệu A17 ô số 48 diện tích 100m2) và bà Trần Thị Xuý ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế (mua lô đất ký hiệu A 17 số ô 29 diện tích 100m2).
Dù là đất công, tất nhiên không thuộc sở hữu của mình nhưng Công ty Thuận Lợi vẫn ngang nhiên đem bán cho người dân để thu về nhiều tỷ đồng.
Ngoài ra, để người dân tin tưởng không phải là đất công, ngày 9/5/2019 ông Nguyễn Thuận, Tổng giám đốc còn ký “Biên bản bàn giao đất” số 448/2019/BBBG giữa Công ty Thuận Lợi và khách hàng Huỳnh Đức Anh cũng như bà Trần Thị Xuý.
Tại biên bản đối với ông Huỳnh Đức Anh nêu rõ: Công ty Thuận Lợi đã bàn giao đất đã đầu tư cơ sở hạ tầng theo hợp đồng với các đặc điểm: Số ô 48, số lô 17 diện tích 100m2. Biên bản bàn giao này còn được Công ty Thuận Lợi đính kèm “Biên bản bàn giao mốc toạ độ góc ranh” hết sức chi tiết và cụ thể nên khách hàng hết sức yên tâm. Ông Anh và bà Xuý sau khi mua đất đã được Công ty Thuận Lợi lập cho “Hồ sơ thiết kế cơ sở” để xây nhà ở.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hồ sơ này gồm 5 trang, vẽ chi tiết từng góc cạnh của căn nhà như: mặt bằng tổng thể, mặt đứng ghép mẫu nhà, mặt bằng tầng 1 và 2, mặt bằng cấp điện nước tỷ lệ 1/100… do chính Tổng giám đốc Nguyễn Thuận, Phó Tổng giám đốc Trần Đăng Toàn, Kiến trúc sư Phạm Minh Thuỳ, Quản lý kỹ thuật Trần Đức An… ký.
Có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”?
Luật sư Lê Ngô Trung, Công ty Luật TNHH Vega cho rằng, theo quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản quy định chủ đầu tư dự án bất động sản muốn đưa sản phẩm ra giao dịch, mua bán phải đảm bảo thủ tục về pháp lý.
Đối với diện tích hơn 7.500m2 đất mà Công ty Thuận Lợi lấn chiếm sau đó phân lô bán nền được cơ quan ban ngành, đã xác định lô đất này vẫn còn là đất công mà đưa ra mua bán tức là bán cái không phải của mình, là dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đồng quan điểm này, luật sư Phạm Tấn Thuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng Công ty Thuận Lợi đã vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai năm 2013, vi phạm quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng…
Điều 188, Luật Đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện: Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty Thuận Lợi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính… đã tự ý bán cho khách hàng là dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần sớm khởi tố vụ án để làm rõ vụ việc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.