Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi chiếm dụng phí bảo trì.
- Ai đang thèm khát ‘đất vàng’ để thao túng di dời ga Nha Trang?
- Ngôi nhà không tường ngăn của gia đình 6 người
Chủ đầu tư chỉ chú trọng bán căn hộ thu lợi nhuận
24/4, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay, những vướng mắc, bất cập và giải pháp tháo gỡ.
Báo cáo tại phiên giải trình, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trong phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Tổng hợp số liệu của 40 địa phương có báo cáo đến thời điểm 31/3/2019 có 11 địa phương có tranh chấp, khiếu nại. Trong đó chủ yếu xảy ra tại Hà Nội, TPHCM với tổng số 458 tranh chấp, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý vận hành.
Những tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung gồm: Chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị (có 54 chung cư chiếm 11,8% tổng số tranh chấp và chiếm 79% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì); các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải bàn giao cho ban quản trị (có 10 chung cư, chiếm 22% tổng số tranh chấp và chiếm 14,7% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì.
Số lượng nhà chung cư mà chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư là 2, chiếm 2,9% tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì. Số lượng nhà chung cư mà chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác là 1, chiếm 1,5% tranh chấp. Số lượng nhà chung cư mà chủ đầu tư không công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì là 1, chiếm 1,5% tranh chấp.
Riêng địa bàn Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ tranh chấp, khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cao hơn. Hà Nội có 39/919 tòa có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 4,2%. TPHCM có 15/867 tòa có tranh chấp, chiếm tỷ lệ 1,7% - báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, do một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình nên không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung 2% và đưa khoản tiền này phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của mình.
“Sau khi bán căn hộ lại tìm lý do để trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị, hoặc khi thành lập được ban quản trị thì tìm cách thoái thác trong việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì này cho ban quản trị. Thậm chí chấp nhận nộp phạt để trì hoãn, kéo dài thời gian phải bàn giao nhằm chiếm dụng khoản kinh phí bảo trì” – ông Hà nói.
Kiên quyết cưỡng chế thu hồi, xử lý nghiêm hành vi chiếm dụng
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Hà cũng cho rằng, mức thu 2% ở một số chung cư không hề nhỏ, và tranh chấp quỹ bảo trì thường xảy ra ở những nơi có số thu lớn. Do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ để chống lạm dụng tiêu cực. Trong các quy định pháp luật đã nói rất rõ ràng, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào. Với việc phòng cháy chữa cháy, theo ông Hà, ở những nơi trong thời hạn bảo hành 5 năm thì không sao, còn sau 5 năm mà không có quỹ bảo trì thì sẽ “có vấn đề”.
Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều kiến nghị trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.
Thời gian tới, do bất cập về trình độ, năng lực của Ban quản trị tòa nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất thêm 2 mô hình khác là chủ đầu tư thực hiện phần bảo trì, vận hành chung cư và mô hình đơn vị quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp. Như vậy, cư dân của chung cư có thể lựa chọn, hoặc bầu Ban Quản trị, hoặc giao chủ đầu tư, hoặc thuê đơn vị chuyên nghiệp bảo trì, vận hành chung cư.
Ghi nhận thực tế thời gian qua vấn đề phí bảo trì là một trong những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết tại nhiều dự án ở Hà Nội, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Tại nhiều chung cư, cư dân căng băng rôn, xuống đường “đòi” chủ đầu tư trả quỹ bảo trì. Như chung cư cao cấp Hòa Bình Green City 505 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư, Chung cư Star City 81 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) do liên danh giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại VNECO Hà Nội (VNECO) làm chủ đầu tư chủ đầu tư…
Thậm chí, ở một số dự án chung cư, cư dân lại đấu tranh để đòi quỹ bảo trì với chính ban quản trị do mình bầu ra. Thực trạng này đã diễn ra tại chung cư Văn Phú Victoria (Hà Đông)…