Sau kỳ nghỉ Tết dài, việc quay trở lại với nhịp sinh hoạt thường ngày của các bé sẽ gặp chút khó khăn. Do đó, bố mẹ cần phải khơi gợi được niềm yêu thích tới trường, lớp của con.
- Muốn con trưởng thành hơn và luôn luôn hạnh phúc, cha mẹ hãy dạy con những kỹ năng cơ bản này ngay từ tấm bé
- Con có lười và hay trốn việc đến mấy, các mẹ hãy cứ áp dụng ngay 3 phương pháp này là con lại chăm ngay
Tết Nguyên Đán là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian tất cả mọi người được tạm gác những việc thường nhật, vui chơi, thư giãn bên gia đình, người thân. Trong dịp này, các bé cũng được nghỉ học, hòa mình vào những ngày nghỉ vui vẻ với những hoạt động ý nghĩa như nhận lì xì, đi chơi, chúc Tết, du xuân… Tuy nhiên, sau chuỗi ngày nghỉ Tết dài, việc quay trở lại với trường, lớp sẽ khiến bé không thích nghi được ngay.
Dưới đây là những bước bố mẹ cần tạo tâm lí, sự hứng khởi cho con để đi học sau Tết không phải là “ác mộng”:
Khơi gợi trẻ nhớ tới trường lớp
Để việc quay lại học sau Tết được dễ dàng, trong suốt những ngày nghỉ, bố mẹ nên thường xuyên có những trò chuyện, tâm sự để khơi gợi trí nhớ của bé về bạn bè, thầy cô, trường lớp. Hãy thường xuyên hỏi con về việc con đi học có gì vui, có kỷ niệm nào với các bạn hay không… để trẻ vẫn luôn ý thức được rằng mình là một học sinh.
Ngoài ra, trong mỗi một hoạt động của ngày Tết, bố mẹ có thể gợi ý cho con như: “Mấy hôm nữa đi học, con hãy kể cho các bạn nghe về những ngày Tết của mình nhé”; “Con hãy hỏi các bạn xem các bạn đón Tết như thế nào nhé”. Bố mẹ có thể giúp các bé bằng cách cho bé gọi điện chúc Tết cô giáo, gọi cho một người bạn thân ở lớp hỏi về việc Tết của bạn có vui không? Những điều này sẽ khiến bé hào hứng quay trở lại trường để chia sẻ với nhau những điều thú vị trong kỳ nghỉ của mình.
Đặc biệt, bố mẹ không nên nói những lời để biến việc đi học trở thành một cơn ác mộng kiểu như: "Mai con phải đi học rồi" hay là "Không được nghỉ nữa rồi, mai lại phải đi học rồi" thay vào đó, hãy nói rằng "Vậy là sắp được đi học lại rồi, sắp được gặp lại cô và các bạn rồi" hay "Ở nhà chán rồi, mai được đi học rồi, vui quá con nhỉ”… để khiến bé thấy đi học thật là điều đáng để mong chờ.
Điều chỉnh dần giờ giấc sinh hoạt
Những ngày nghỉ Tết dài với các hoạt động phong phú, khác ngày thường chắc chắn sẽ làm đảo lộn nhịp sinh hoạt của các con. Đa phần các bé sẽ đi ngủ muộn, dậy muộn hơn, giờ ăn cũng trở nên thất thường. Những điều này chắc chắn sẽ cho phép bé “thả lỏng” và thích thú, nhưng nó cũng sẽ là rào cản khi các bé phải quay trở lại đi học sau kỳ nghỉ Tết.
Do đó, khoảng 3 – 4 ngày trước khi quay trở lại học, hãy điều chỉnh nhịp sinh hoạt như cũ cho bé. Bố mẹ không nên bắt con thay đổi ngay lập tức, hãy từ từ từng chút một, mỗi ngày, mỗi hoạt động “nắn” lại tầm 10 – 15 phút là được. Khi bắt đầu phải đi học trở lại, bé sẽ không cảm thấy ức chế, mệt mỏi và khó chịu khi phải dậy sớm, phải ăn đúng giờ nữa.
Cùng con chuẩn bị đồ dùng tới trường
1 ngày trước khi kì nghỉ kết thúc, hãy “đánh thức” con về việc sẽ quay lại trường học. Bố mẹ làm điều này bằng cách cùng con sửa soạn đồ dùng cho vào balo. Hãy tạo ra những niềm vui nho nhỏ bằng việc chuẩn bị những phong bao lì xì, vài tờ thiệp chúc mừng năm mới nhỏ xinh để bé dành tặng các bạn… Bé sẽ thấy hoạt động ngày Tết vẫn còn rất thú vị, chỉ là sẽ được chia sẻ tiếp cùng thầy cô, bạn bè mà thôi. Nó vẫn giống như một cuộc chơi chứ không phải là áp lực tới trường học hành.
Bố mẹ hãy thật háo hức, thích thú thậm chí là tỏ ra ghen tị với bé khi bé sắp được đến trường, gặp bao nhiêu bạn, gặp thầy cô để bé thấy hãnh diện, thoải mái hơn.
Ngày đầu đi học trở lại
Buổi sáng thức giấc, hãy tạo sự hứng khởi, tươi vui thay vì đẩy trẻ vào guồng quay của cuộc sống hiện đại với sự vội vã, giục giã. Để làm được điều này, nên gọi bé dậy sớm, thư thái, cùng chuẩn bị và nói những chuyện vui vẻ khi chỉ còn ít thời gian nữa là gặp bạn bè. Trên đường đi học, hãy cùng bé ôn lại vào câu chúc, gợi ý cho con những việc thú vị có thể làm cùng bạn bè khi gặp lại cô và các bạn.
Đặc biệt, bố mẹ không nên đón con quá muộn trong ngày đầu tiên con đi học trở lại. Bé sẽ cảm thấy vô cùng hụt hẫng vì suốt những ngày lễ được quây quần bên bố mẹ, giờ lại bị xa cách quá lâu. Hãy đón con sớm để ngày đầu tiên đi học trở thành 1 ngày vui và ý nghĩa với con.
Ý kiến chuyên gia:
Chia sẻ về vấn đề tạo tâm lí thoải mái, tươi vui cho trẻ đi học trở lại sau mỗi dịp Tết, Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Quỳnh cho biết:
- Về tâm lí:
+ Cha mẹ cần có sự chuẩn bị như trò chuyện với trẻ về chủ đề lớp học, trường học, tạo cho con cảm giác nhớ cô, nhớ bạn, mong muốn đến trường để chia sẻ niềm vui với cô với bạn. Có thể cho con ngắm nhìn hình ảnh các cô các bạn trên lớp học, cho con gọi điện chúc tết các cô giáo…
+ Cha mẹ cũng dành chút thời gian để cùng con ôn lại những bài học gần gũi trong năm con vừa mới học như bài thơ, bài hát,... gợi sự tò mò cho con về bài học tiếp theo và trao đổi để con có cảm hứng đến trường, con sẽ được học tiếp những bài học thú vị như thế.
Về thể chất: Để có tâm lý tốt thì điều kiện sức khỏe phải đảm bảo. Trong dịp Tết truyền thống, chúng ta thường có thói quen ăn đồ chiên rán, đồ nếp và đồ ngọt. Cha mẹ chú ý đến khẩu phần ăn của con cần đảm bảo có đủ rau xanh và quan tâm đến vấn đề vệ sinh để đảm bảo sức khỏe cho con
- Từ phía thầy cô, nhà trường:
+ Tạo không khí lớp học nhẹ nhàng như những chào đón năm mới do nhà trường tổ chức để các con được biểu diễn các tiết mục văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực Xuân…
+ Các lớp học cũng có những hoạt động như các bạn lì xì kẹo, bánh cho nhau, các bạn chia sẻ câu chuyện về ngày Tết của mình cho các bạn khác nghe hoặc lồng ghép trong các giờ học là các hoạt động đóng vai liên quan đến chủ đề Tết… Như vậy, các con sẽ có cảm giác không khí Tết không chỉ có trong gia đình mà ở trường cũng rất vui và muốn đến trường hơn.