Tư tưởng giáo dục tiến bộ của người mẹ chính là chìa khóa giúp cô bé Hillary Yip Ying-hei sở hữu công ty công nghệ nổi tiếng riêng khi mới 10 tuổi.
- Cảnh dở khóc dở cười chỉ nhà nhiều trẻ nhỏ mới hiểu: "Cuộc chiến" giành đồ không bao giờ có hồi kết
- Những ngôn ngữ cơ thể mà bé sơ sinh rất muốn “nói” với mẹ, các mẹ nên cực kỳ lưu ý nhé
Nhìn bề ngoài, Hillary Yip Ying-hei có thể không khác gì những học sinh trung học bình thường. Tuy nhiên, ngoài đến trường đi học, làm bài tập về nhà như bao đứa trẻ khác thì cô bé 12 tuổi này còn sở hữu một công ty công nghệ do chính mình thành lập và điều hành từ khi mới 10 tuổi.
Điều gì đã giúp cô bé nhỏ tuổi này có thể làm lên những thành công đáng kinh ngạc như thế?
Ưu thế của thế hệ lớn lên trong kỉ nguyên công nghệ
Lớn lên trong thời đại công nghệ, giống như bạn bè đồng trang lứa, Yip hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc bắt kịp sự đổi mới và những thay đổi liên tục của kỹ thuật số. Chính tư duy sắc sảo và sự hiểu biết về công nghệ đó đã thôi thúc cô bé cho ra mắt ứng dụng học ngôn ngữ trực tuyến từ năm 10 tuổi.
Ý tưởng này đến với cô bé khi em phải vật lộn để học tiếng Trung Quốc. “Cháu đã nghĩ ra ý tưởng về MinorMynas vào mùa hè 2015 khi đang học tiếng Trung Quốc ở Đài Loan. Khi mới đến đây, tiếng Trung của cháu rất tệ. Tuy nhiên sau chương trình trao đổi, cháu đã tiến bộ rất nhiều và trải nghiệm đó khiến cháu suy nghĩ mãi”.
MinorMynas là một nền tảng giáo dục trực tuyến giúp trẻ em ở mọi lứa tuổi học các ngôn ngữ khác nhau thông qua việc trò chuyện trực tuyến bằng video call với bạn bè đồng lứa. Thông qua tương tác trực tiếp, các em có thể dễ dàng tiếp thu nhanh chóng các ngôn ngữ mới.
“Ứng dụng này rất thú vị vì nó giúp kết nối bạn bè trên khắp thế giới thay vì những cuộc nói chuyện tẻ nhạt với các phần mềm tự động. Nó sẽ giúp gắn kết những bạn cùng tuổi và phá vỡ rào cản văn hóa”, Yip chia sẻ.
Cô bé tin rằng cách nhanh nhất để học là tương tác trực tiếp trong thế giới thực thay vì chỉ học trong sách giáo khoa thông thường.
Thành công của ứng dụng này khiến rất nhiều chuyện gia công nghệ phải trầm trồ ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Đằng sau bí mật thành công của cô bé 12 tuổi chính là cách dạy con đáng học hỏi của cha mẹ cô bé.
Cách giáo dục con của cha mẹ quyết định hành động của con
“Thế giới không nằm trong những trang sách. Nếu trẻ em có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học để áp dụng và thực hành trong thực tế thì nó sẽ đem lại hiệu quả gấp nhiều lần so với bất kì khóa học thêm hay chương trình nào trong sách”.
Đây chính là tư tưởng giúp Yip chiến thắng trong cuộc thi doanh nhân trẻ AIA năm 2015. Sau đó ý tưởng của cô bé cũng được hiện thực hóa thành một sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao và đem lại nhiều ý nghĩa và trải nghiệm cho cô bé 12 tuổi.
Cô bé tâm sự: “Người lớn có thể sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông xã hội và dễ dàng nói chuyện trực tuyến với bạn bè trên khắp thế giới. Trong khi trẻ em lại bị bó buộc trong những mối quan hệ với bạn bè cùng trường lớp hay từ những người bạn trong các trò chơi trực tuyến. Vì vậy cháu muốn tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em có thể kết nối, trò chuyện với nhau”.
Cha mẹ Yip chính là những người đầu tiên thấu hiểu, ủng hộ và giúp đỡ cô bé đến với thành công ngày hôm nay. Ngay từ khi Yip còn là một đứa trẻ với những suy nghĩ ngây thơ, họ đã nhanh chóng hiểu được rằng trường học không phải là tất cả.
Mẹ cô bé chia sẻ: “Từ quan điểm của cha mẹ, tất cả chúng ta đều muốn con mình trở thành công dân toàn cầu. Vì vậy con cái chúng ta đều phải học thêm nhiều ngôn ngữ khác nhau và đó là điều khá khó khăn với chúng. Ngay cả khi được dạy kèm, chúng vẫn không thể tiến bộ nếu không có cơ hội thực hành trong môi trường thực tế hàng ngày…
Chúng tôi muốn các bậc phụ huynh và con cái của họ hiểu rằng trường học không phải là cách duy nhất để học tập. Đôi khi các bé chỉ cần đi theo con đường riêng của mình và thành công sẽ đến”.
Chính Yip cũng thừa nhận rằng thành công của mình có sự đóng góp rất lớn của cha mẹ, đặc biệt là những tư tưởng giáo dục tiên tiến, cởi mở của mẹ. Đây cũng chính là bài học dành cho tất cả những bậc phụ huynh khi muốn con cái theo kịp nhịp độ phát triển toàn cầu.
Học tập và đạt được điểm số cao trong các cuộc thi ở trường lớp không phải là cách duy nhất để giúp bé thành công. Mỗi một đứa trẻ sở hữu một tài năng, sở trường riêng biệt. Cách tốt nhất để giúp bé phát triển là khích lệ, ủng hộ con theo đuổi ước mơ của mình.