Những tình huống xung quanh việc nuôi dạy con là không hề ít. Nhưng với những nguyên tắc vàng này, cha mẹ sẽ giúp con tự tin và biết cách tìm niềm vui cho chính mình.
- Ông bố tiết lộ 10 sự thật khi nuôi dạy con chẳng sách vở nào dạy bạn
- 5 sai lầm nhiều bố mẹ Việt đang mắc phải trong việc dạy con: Có bạn trong đó hay không?
Bảo vệ con là bản năng vốn có của cha mẹ, nhưng không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể ở bên cạnh con, canh chừng và “ra tay” giúp đỡ con. Thậm chí đôi khi chính người lớn cũng không biết phải cư xử sao, giúp con bằng cách nào để không làm con bị tổn thương hoặc khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chính vì vậy, cha mẹ thông thái là những người biết cách nuôi dạy con trở thành những đứa trẻ độc lập, tự tin và biết tự tìm niềm vui cho bản thân ngay cả khi không ở bên cạnh cha mẹ. Để giúp con trở nên mạnh mẽ và luôn vui vẻ, cha mẹ chỉ cần tuân thủ 7 nguyên tắc vàng sau đây:
1. Dạy con cách nói “Không” khi cần
Tình huống: Một người bạn cùng lớp yêu cầu trẻ cho phép bạn gian lận bằng cách quay bài, chép bài trong giờ kiểm tra. Nếu con bạn đồng ý “giúp đỡ” và bị cô giáo phát hiện, cả 2 sẽ bị trừ điểm hoặc phạt cảnh cáo.
Giải pháp: Cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu sự gian lận này chính là một cách hạ thấp bản thân bởi những nỗ lực ôn bài, học bài và thời gian con dành để chuẩn bị cho giờ kiểm tra đang bị ai đó tìm cách lạm dụng vì lợi ích riêng. Để dạy con biết cách nói “Không” khi muốn từ chối những đề nghị khiếm nhã như vậy, cha mẹ có thể gợi ý trẻ trả lời: “Mình chưa làm xong. Đừng làm mình mất tập trung.” Chỉ cần nói ngắn gọn như vậy sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn và không ai có thể tiếp tục thao túng trẻ nữa.
2. Dạy con có thái độ mạnh mẽ, biết phản ứng với hành động không tốt
Tình huống: Bạn cùng lớp của con bạn luôn bắt nạt và chế giễu trẻ, đem trẻ ra làm trò đùa. Điều này khiến con bị tổn thương, con cảm thấy xấu hổ, buồn chán và không còn muốn đi học nữa.
Giải pháp: Hãy giải thích cho con hiểu nguyên nhân các bạn luôn bắt nạt, trêu đùa con đơn giản là vì bạn của con muốn trông thật nổi bật, bạn đó muốn được người khác ngưỡng mộ và nghe lời bằng cách chọc ghẹo con, làm cho con thật buồn và sợ hãi họ. Và con hoàn toàn không nên khó chịu hay buồn bã vì những lời nói hay hành động ấy. Nếu bạn chế giễu con, hãy nhìn thẳng và tỏ rõ thái độ phớt lờ, không quan tâm. Khi ấy, các bạn cùng lớp sẽ không còn hứng thú theo dõi và cổ vũ hành động bắt nạt nữa vì phản ứng đầy tự tin của con.
3. Làm cho con hiểu: Điểm số không phải là tất cả
Tình huống: Con bị điểm kém, và bắt đầu khóc vì nghĩ rằng con đã làm bài không tốt. Trẻ không dám nói thật cho cha mẹ biết điểm số thực sự vì lo sợ sẽ bị trách mắng.
Giải pháp: Cha mẹ không nên la hét với con hoặc trừng phạt con vì điểm kém. Việc cha mẹ cần làm và nên làm đó là cho con thấy tình yêu thương của cha mẹ vượt lên trên mọi thành tích học tập. Cha mẹ chỉ cần nói: “Con không đạt điểm tốt phải không? Đừng buồn, con sẽ làm tốt hơn lần sau!”. Câu nói này có sức mạnh hơn tất thảy và trẻ sẽ không còn lo lắng, sợ hãi khi gặp khó khăn trong tương lai.
4. Con cần học cách giúp đỡ và bảo vệ những người yếu hơn
Tình huống: Trẻ kể cho cha mẹ nghe rằng bạn cùng lớp của trẻ đang bắt nạt một cậu bé khác. Con bạn biết rằng điều đó là sai nhưng con không biết cách làm thế nào để giúp đỡ và cũng sợ không dám giúp.
Giải pháp: Có một thực tế là nhiều trẻ sợ và không dám bảo vệ những người yếu thế hơn đang gặp rắc rối vì trẻ không muốn mạo hiểm rồi tiếp tục trở thành nạn nhân tiếp theo. Cha mẹ cần giúp con thay đổi suy nghĩ này ngay từ nhỏ. Sự cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ mọi người là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách một con người. Hãy đề nghị trẻ giúp đỡ những người xung quanh khu vực trẻ sinh sống, để cho trẻ chịu trách nhiệm trông nom và bảo vệ một vật hoặc ai đó như em trai của trẻ hoặc một con vật cưng trong nhà.
5. Yêu thích những việc con đang làm
Tình huống: Lịch học dày đặc ở trường, các giờ học ngoại khóa ở câu lạc bộ thể thao, học gia sư, học thêm và bài tập về nhà… đã khiến con mệt nhoài và kiệt sức. Con chỉ muốn có thời gian để thư giãn hoặc đi chơi cùng bạn bè.
Giải pháp: Cha mẹ luôn muốn con cái được thành công và đạt kết quả cao trong học tập nên đã sắp xếp cho con tham gia các câu lạc bộ, lớp học thêm càng nhiều càng tốt. Nhưng việc làm này không thể đem lại niềm vui và sự hứng khởi cho trẻ bằng những hoạt động mà bản thân trẻ thích. Hãy để con 1 giờ mỗi ngày để con được làm việc con thích đúng với sở trường, sở thích của con như chơi trò chơi điện tử, thể thao hoặc vẽ nghệ thuật hay bất cứ hoạt động nào con muốn.
6. Năng động, tích cực tham gia các hoạt động thể chất
Tình huống: Trẻ quá nhút nhát, hay ngại ngùng và xấu hổ, không muốn tham gia các hoạt động bên ngoài. Trẻ chỉ thích ngồi ở nhà thay vì vui chơi cùng bạn bè.
Giải pháp: Cha mẹ hãy đề xuất cho con chơi thử một môn thể thao đồng đội. Khi trẻ được cùng chơi với những người bạn có cùng sở thích sẽ tạo ra tác động tích cực và tạo ảnh hưởng tốt hơn tới trẻ. Hơn nữa, thể thao góp phần cải thiện sự tự tin, tính độc lập của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ nên ghi nhớ sở thích và trò chơi, hoạt động mà con yêu thích và thực sự muốn tham gia chứ không nên ép con. Nếu không sẽ gây ra tác dụng ngược là trẻ sẽ tỏ ra chán ghét và không còn hứng thú với bất cứ môn thể thao nào nữa.
7. Không so sánh và biết yêu bản thân
Tình huống: Trẻ than thở rằng: “Bạn con có mái tóc dài và mượt, đôi mắt to tròn, còn con thì tóc ngắn, mắt 1 mí trông thật xấu.” Sớm hay muộn, hầu hết mọi đứa trẻ sẽ bắt đầu so sánh bản thân với người khác và nó có thể trở thành vấn đề trong tương lai.
Giải pháp: Mọi đứa trẻ, bất kể giới tính, đều muốn trở nên thật hấp dẫn và giỏi giang. Vì vậy cha mẹ đừng quên nói với con rằng con rất xinh đẹp, bảnh bao. Nếu trẻ có thần tượng yêu thích, hãy cho trẻ xem ảnh hồi nhỏ hoặc ảnh chưa qua chỉnh sửa của họ để chứng minh rằng điều khiến chúng ta trở nên xinh đẹp và tuyệt vời không phải là do ngoại hình hoàn hảo mà là do chính những điểm khác biệt, sự ưu tú chỉ chúng ta mới có đê tạo nên nét đặc biệt riêng của từng cá nhân.