Bí quyết tẩm ướp gia vị ‘chuẩn không cần chỉnh’, chị em nấu món nào ngon món đó
Trình tự ướp gia vị
- Khi tiến hành ướp gia vị, bạn không nên tùy tiện cho gia vị vào trong món ăn mà nên đảm bảo đúng tuần tự: mặn, ngọt, thơm, cay để đảm bảo món ăn đầy đủ vị và thực phẩm có thể dễ dàng ngấm vị, thơm ngon hơn. Mặn ở đây chính là vị mặn của muối, hạt nêm hay nước mắm. Ngọt từ đường, mật ong, bột ngọt. Còn vị cay có trong sa tế, ớt…
Chú ý:
Bạn nên hạn chế dùng nước mắm để tẩm ướp gia vị cho món ăn. Bởi ướp nước mắm vào thực phẩm có thể làm mất axit amin, vitamin và cả mùi vị vốn có của nước mắm. Do đó, bạn chỉ nên nêm nếm nước mắm khi món ăn đã chín mềm.
Khi ướp gia vị, bạn có thể dùng muối ăn để ướp vào thịt và muối biển để ướp vào trong cá, hải sản. Tuyệt đối không sử dụng muối I ốt khi tẩm ướp gia vị cho thực phẩm vì muối I ốt có độ mặn cao, dễ làm thực phẩm được tẩm ướp ra nước, bị khô, không ngon.
- Những nguyên liệu chính tạo mùi thơm cho món ăn của các bà nội trợ thường là tỏi, hành băm, tiêu, rượu, mè, các loại rau thơm. Đồng thời, bạn có thể dùng mật ong để tạo mùi thơm ngon đặc trưng cho 1 số món ăn sử dụng nguyên liệu chính là thịt gà, thịt lợn. Đối với các loại thịt đỏ như bò, cừu; bạn nên dùng đường để tẩm ướp gia vị thì món ăn của chúng ta sẽ giữ được mùi của thực phẩm, giúp món ăn thêm phần thơm ngon hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nhớ không nên dùng tiêu trong quá trình tẩm ướp gia vị cho thực phẩm, bởi nhiệt độ cao khi nấu ăn sẽ làm mất đi mùi vị đặc trưng của tiêu. Do đó, bạn chỉ nên cho tiêu vào sau khi món ăn đã chín và bạn đã tắt bếp.
- Bước cuối cùng khi ướp gia vị là cho các thành phần phụ gia như trứng, bột mì, dầu ăn vào. Khi dùng dầu ăn trong quá trình tẩm ướp, bạn dùng dầu ăn thường sẽ tốt hơn, hạn chế dùng dầu ô liu, vì dầu ô liu chỉ thích hợp với các thực phẩm ăn sống như trộn dầu ô liu trong các món salad, hoặc chiên xào các món ăn trong thời gian ngắn.
Thời gian ướp gia vị:
Mỗi loại thực phẩm khác nhau thường sẽ có thời gian tẩm ướp gia vị khác nhau:
- Với những loại thực phẩm như thịt heo và thịt gà, bạn nên để khoảng nửa tiếng cho thịt ngấm đều gia vị.
- Với những thực phẩm như thịt bò, cừu nguyên khối, bạn có thể để thịt nghỉ trong khoảng 10 phút là thực phẩm có thể ngấm đều vị.
- Đối với các loại thịt được thái lát hay băm nhuyễn, bạn chỉ cần để thịt ngấm gia vị trong khoảng 5 phút là được. Nếu muốn, bạn có thể không ướp gia vị cũng được, vì khi nấu bạn nêm nếm cho vừa ăn là được rồi.
- Với cá, bạn hãy ướp gia vị vào, để khoảng 15 đến 20 phút. Thường thì thời gian ướp các loại cá biển bạn có thể giảm xuống ít hơn, vì bản thân cá biển đã có độ mặn tự nhiên rồi.
- Với hải sản, ướp từ 15-30 phút, hoặc chỉ cần không quá 1 tiếng tiếng nếu là tôm còn để vỏ, mực lá dày. Riêng với tôm đã được bóc bỏ vỏ, mực ống, bạn có thể để 5 đến 10 phút cho thực phẩm ngấm đều gia vị, hoặc thậm chí không cần ướp gia vị trước đều được, để đến lúc nấu sẽ nêm nếm trực tiếp món ăn vẫn ngon. Còn với bạch tuột, bạn không nên để ngấm gia vị trong thời gian quá lâu. Việc để quá lâu sẽ làm cho bạch tuột ra nước, món ăn khi thành phẩm sẽ mất ngon.
Riêng đối với các loại rau củ, bạn chỉ cần cắt gọt, không cần ướp gia vị trước, đến lúc nấu sẽ nêm nếm trực tiếp.