Chế độ ăn uống của các mẹ sau sinh vô cùng quan trọng. Ăn uống đầy đủ sẽ giúp mẹ nhanh hồi phục và đảm bảo đủ sữa cho con bú. Dưới đây là những loại thực phẩm mẹ bầu không nên bỏ qua sau sinh.
- Thêm những lợi ích to lớn của việc trì hoãn cắt dây rốn sau sinh
- 9 chiêu xóa mờ vết rạn da cho mẹ sau sinh với nguyên liệu ngay trong nhà bếp
Tháng đầu sau khi sinh con là thời kỳ hồi phục quan trọng của phụ nữ. Trong thời gian này, sản dịch sẽ được loại bỏ dần và tử cung co lại. Lúc này, mẹ cũng cần chăm sóc sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để cơ thể nhanh hồi phục, lấy sức chăm em bé. Dưới đây là những loại thực phẩm tốt cho mẹ sau sinh bạn không nên bỏ qua.
Thực phẩm mẹ nên ăn sau sinh
Phụ nữ sau sinh cần ăn uống nhiều chất dinh dưỡng cân đối, hợp lý, cung cấp nhiều năng lượng (khoảng 2.800 kcal/ngày) để mau chóng phục hồi sức lực, có đủ sữa cho con bú.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM đưa ra một số gợi ý về bổ sung dinh dưỡng đúng cách cho phụ nữ sau sinh.
- Chất đạm: Nên ăn thịt nạc (heo, gà, bò, tôm), tránh thịt nhiều mỡ, ăn nhiều loại đậu như đậu nành, đậu phụng, đậu đen, đậu đỏ, đậu hà lan, nên tăng cường sữa bò, trứng gà, yaourt, sữa đậu nành...
- Chất béo nên dùng dầu thực vật, ít mỡ động vật.
- Chất bột đường: Cơm, cháo, mì sợi, phở... Hạn chế ăn bún và các loại bánh kẹo, nước ngọt có gas, kem lạnh...
- Ăn nhiều loại rau có lá xanh đậm, các loại củ quả có màu cam, đỏ như rau ngót, rau dền, mồng tơi, bí đỏ, cà rốt, khoai lang nghệ. Các loại rau này cung cấp nhiều vitamin, chất xơ phòng chống táo bón rất tốt, ngoài ra chúng còn rất giàu betacaroten.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như lòng đỏ trứng gà, vịt, tim cật heo, cá, mực, tôm, thịt bồ câu, đậu hũ, mè, rau đay, đậu đen, đậu trắng, hạt sen, đậu hà lan, súp lơ xanh, cải xanh…
- Về trái cây, nên ăn nhiều loại để bổ sung nguồn vitamin C, các chất khoáng, hoạt chất dinh dưỡng khác nhau như nho, cam, táo, chuối, đu đủ, lê, bơ, mít, vải… Tuy nhiên, cần nhớ là các loại trái cây nên cắt nhỏ, nhai kỹ (để làm ấm trong miệng) trước khi nuốt.
Cách chế biến món rau nên hấp, luộc ít nước, nấu canh, phải nấu nhanh (để giảm sự thất thoát các vitamin). Khi ăn cũng cần nhai kỹ cho dễ tiêu. Không nên dùng các món chiên xào nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
Thịt, cá, tôm nên kho mềm, ít gia vị cay và nóng như tiêu, ớt, tỏi, gừng…
Thức ăn phải chín mềm, dễ tiêu và nên ăn khi thức ăn còn nóng ấm (40-50 độ C). Tránh ăn các thức ăn sống, nhiều chất chua (xoài xanh, khế chua, chanh, quýt chua…), hạn chế thức ăn có tính hàn như nghêu, sò, ốc, hến, bí đao, dưa leo, khổ qua, dưa hấu, nước dừa vì dễ sinh lạnh bụng, đầy hơi, khó tiêu.
Nên uống nhiều nước (2,5-3 lít/ngày) gồm sữa, nước trái cây, nước sôi để nguội, nước khoáng. Tuy nhiên, cần hạn chế ăn canh rau vào buổi chiều tối để tránh đi tiểu nhiều lần vào ban đêm.
Theo Đông y, những loại thực phẩm có tác dụng lợi sữa, có ích cho sức khỏe phụ nữ sau khi sinh thường dùng là:
- Móng giò heo: Gọi là trư đề, có vị mặn ngọt, tính bình, tác dụng bổ huyết thông sữa. Rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh bị thiếu sữa.
- Gạo nếp: Gọi là nhu mễ, có vị ngọt, tính ấm, tác dụng làm mạnh tỳ vị, làm mạnh phổi, dễ tiêu hoá, rất tốt cho sản phụ thiếu sữa.
- Thịt cá mực: Gọi là ô tặc ngư nhục có vị ngọt mặn, tính bình, tác dụng bổ trung ích khí, nhiều chất dinh dưỡng có ích cho sản phụ.
Với người tinh huyết hư tổn: sau khi sinh con, nếu người mẹ thấy có các triệu chứng như hoa mắt chóng mặt, tim đập loạn nhịp, mất ngủ, tê chân tay, sắc mặt vàng hoặc trắng nhợt, da sạm và thô ráp, môi và móng chân móng tay đều trắng nhợt, hoặc lúc bình thường cơ thể hư nhược, nên lựa chọn ăn loại thức ăn sau:
- Thịt: thịt lợn, chân giò, tim gan lợn, con hàu, thịt ba ba, thịt rùa, lươn, các chép, hải sâm.
- Đường: đường trắng, đường phèn, các loại đường hoa quả.
- Rau: đậu côve, đậu đũa, đậu tằm, đậu phụ, giá đỗ, mọc nhĩ, ngó sen, mướp, rau chân vịt, mộc nhĩ trắng, củ cải, cà rốt, nấm hương, khoai tây, khoai sọ, khoai lang, đậu xanh, đậu đen.
- Hoa quả: nho, táo, cam, đào, dứa, chuối tiêu, hồng.
Với người âm hư hỏa vượng: nếu trong quá trình sinh con, người mẹ ra quá nhiều máu, tinh huyết hao tổn dẫn đến âm hư hỏa vượng, thấy có các triệu chứng chóng mặt ù tai, mặt đỏ, ruột gan nóng, ra mồ hôi trộm, mất ngủ, tiểu rắt, táo bón, hoặc được các thầy thuốc chẩn đoán là âm hư hỏa vượng, ngoài các thức ăn bổ máu như đã nêu ở trên còn có thể lựa chọn các loại thức ăn thanh nhiệt dưới đây:
- Thịt: thịt thỏ, gan thỏ, bồ câu, thịt lợn, thịt vịt.
- Rau: rau dền, rau cần, rau kim châm, bí đao, mướp, dưa chuột, cà chua, mướp đắng, tâm sen, lá sen.
- Hoa quả: lê, dưa hấu, chà là, hồng.
Với người dương khí hư nhược: nếu người mẹ sau khi sinh thấy có các triệu chứng nhức mỏi eo lưng, lạnh bụng và chân tay, lạnh và đau bụng dưới, chóng mặt ù tai, tiểu nhiều trong đêm, hoặc được bác sĩ chẩn đoán là dương khí hư nhược thì nên chọn các loại thức ăn có tính ôn bổ ích khí cường dương dưới đây:
- Thịt: thịt dê, móng dê, sữa dê, thịt hươu, thịt chó, ba ba, rùa, tôm tươi, gan lợn, lươn.
- Đường: đường mía, mật ong, đường cát.
- Rau: hành, hẹ, tỏi, hành tây, đậu vàng, mộc nhĩ, đậu đen, vừng, củ cải, bí đỏ, hồi hương.
Hoa quả: hạch đào, long nhãn, táo ta, vải, mía, quýt, anh đào.
Ngoài ra, sản phụ sau sinh cần lưu ý:
- Trong sinh hoạt hàng ngày, nên tránh nắng nóng hoặc gió lạnh. Chỗ ở nên thoáng mát, dễ chịu, không bị ảnh hưởng của khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn.
- Giữ tinh thần thanh thản, không lo lắng, buồn phiền.
- Thường xuyên xoa ấm vùng bụng quanh rốn (xoa quanh rốn theo chiều kim đồng hồ, ngày xoa 2 lần, mỗi lần 40–50 vòng, cách bữa ăn khoảng 2 giờ).
- Vận động và xoa bóp tay, chân, với liều lượng thích hợp, vừa phải để giúp khí huyết lưu thông, giúp ăn ngủ tốt hơn.