Mẹ bầu đi siêu âm nhiều lần có ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi không?

Mẹ bầu 23/10/2022 09:31

Siêu âm là phương pháp phổ biến được áp dụng để theo dõi thai kỳ. Tuy nhiên, rất nhiều mẹ bầu lo lắng nên đi siêu âm nhiều nơi, nhiều lần để theo dõi sức khỏe em bé. Việc mẹ siêu âm nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi không?

Hiện nay, siêu âm là phương pháp thăm khám thai nhi được sử dụng phổ biến tại các cơ sở khám chữa bệnh. Những phương pháp siêu âm phổ biến thường được sử dụng cho phụ nữ mang thai là siêu âm trắng đen thường quy, siêu âm Doppler màu và siêu âm 3D – 4D – 5D.

Siêu âm là phương pháp không xâm lấn giúp các bác sĩ chẩn đoán tình trạng phát triển của thai nhi, đồng thời giúp bác sĩ phát hiện được những bất thường của em bé trong bụng mẹ thông qua các chỉ số thu được và hiển thị ở trên màn hình để cập nhật cũng như đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con.

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, phương pháp siêu âm không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Mẹ bầu đi siêu âm nhiều lần có ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi không? - Ảnh 1

Siêu âm không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi, nhưng không nên lạm dụng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, không nên lạm dụng siêu âm nhiều lần vì sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc, gây hại cho tâm lý mẹ bầu vì phải hồi hộp kiểm tra sức khỏe nhiều lần và có thể gặp phải rủi ro khi đi lại nhiều.

Do đó, trong quá trình mang thai, nếu sức khỏe của mẹ và em bé bình thường thì mẹ bầu chỉ cần thực hiện siêu âm theo số lần bác sĩ chỉ định là đủ.

Ngoài thực hiện siêu âm theo chỉ định của bác sĩ, trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cũng cần làm một số xét nghiệm sàng lọc phát hiện các bệnh của mẹ và bất thường của thai nhi, gồm:

  • Xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, giang mai, HIV sớm để được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, khi sinh và trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ (nếu phát hiện người mẹ bị mắc bệnh).
  • Sàng lọc đái tháo đường: Mẹ bầu sẽ được sàng lọc đái tháo đường thai kỳ vào tuần thai thứ 24-28, đặc biệt những người trên 35 tuổi, có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường, thừa cân, béo phì hoặc từng sinh con trên 4kg...
  • Sàng lọc để phát hiện mẹ bầu có nguy cơ mắc tiền sản giật hay không và điều trị dự phòng nếu có nguy cơ cao
  • Sàng lọc trước sinh theo hướng dẫn của bác sĩ: Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có khả năng sinh con mắc khuyết tật, dị tật và bệnh lý, đặc biệt là những người mẹ trên 35 tuổi. Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò trong thời kỳ mang thai để phát hiện nguy cơ và chẩn đoán bệnh cho thai nhi (bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, một số bất thường về số lượng nhiễm sắc thể và hình thái ở thai nhi…).

*Tài liệu tham khảo: Cẩm nang Hành trình Mang thai và nuôi con khỏe mạnh (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế)

Vì sao bà bầu phải uống nhiều nước, uống thế nào cho đúng?

Nước uống đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể và sức khỏe con người. Đặc biệt với những phụ nữ đang mang thai, việc uống nước lại càng quan trọng hơn.

TIN MỚI NHẤT