Nhịp đập tim thai thể hiện chắc chắn sự xuất hiện của một sinh mệnh bé bỏng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khi siêu âm bác sĩ kết luận là không có tim thai. Vậy nguyên nhân không có tim thai là gì và cách xử lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời ở bài viết dưới đây nhé!
- Cách làm thịt muối chua lạ ngon, hấp dẫn, chuẩn ngon như hương vị Phú Thọ tại nhà!
- Cách làm thịt heo xào dứa thơm ngon, chuẩn vị bữa cơm gia đình!
Nội dung bài viết
Tại sao không có tim thai? Nguyên nhân là gì?
1. Tuổi thai quá sớm
Mẹ bầu đi siêu âm khi tuổi thai quá sớm là một nguyên nhân không có tim thai. Quá trình hình thành tim thai gắn liền với sự phát triển của thai nhi. Dấu hiệu có tim thai là dấu hiệu chắc chắn một sinh mệnh mới đã hình thành. Thông thường, tim thai bắt đầu hình thành khá rõ và có nhịp đập vào khoảng 22 ngày sau khi thụ thai, và có thể quan sát bằng kỹ thuật siêu âm từ tuần thứ 6 – tuần thứ 7 của thai kỳ. Tuy nhiên thì cũng có trường hợp tới tuần thứ 8 – 10 của thai kỳ thì bác sĩ mới siêu âm thấy nhịp đập của tim thai.
Cụ thể, có nhiều trường hợp chị em đi siêu âm thai nhi quá sớm nên bác sĩ chưa thể siêu âm thấy tim thai, hoặc cũng so trường hợp mang thai 9 tuần chưa có tim thai nhưng cũng hãy bình tĩnh, có thể là bạn có chu kỳ kinh quá dài, tuổi thai chưa chính xác nên chưa thấy tim thai.
Vì vậy, nguyên nhân không có tim thai đầu tiên có thể là do cách tính toán tuổi thai không chính xác. Bởi vì tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng, nên những chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều, kéo dài hoặc không nhớ chính xác thời gian có thể sẽ lệch tuổi thai 1-2 tuần.
2. Thai lưu
Một trong những nguyên nhân không có tim thai hàng đầu chính là do sảy thai hoặc thai lưu. Có rất nhiều nguyên nhân khiến em bé đang có tim thai bỗng dưng ngừng lại và khi tới siêu âm thì không phát hiện được tim thai mặc dù đã đủ tuần tuổi để thấy tim thai.
Có một vài nguyên nhân gây sảy thai thường gặp đó là:
- Do nhiễm sắc thể bất thường trong bào thai: Các bất thường về nhiễm sắc thể trong bào thai do trứng hỏng, chất lượng tinh trùng kém, bất thường khi phân chia tế bào đều có thể dẫn đến sảy thai và không có tim thai.
- Do bạn bị rối loạn đông máu: Chứng rối loạn đông máu sẽ tạo ra những cục huyết khối hoặc cục máu đông phát triển trong các mạch máu nhỏ ở nhau thai, việc này làm cản trở quá trình lưu thông máu từ mẹ sang thai nhi, khiến thai nhi không thể nhận được máu từ cơ thể bạn và không thể phát triển.
- Mẹ có bệnh mãn tính: Nếu thai phụ có những bệnh mãn tính như suy thận, suy gan, bệnh tim, huyết áp cao, lao phổi, bệnh tiểu đường, tuyến giáp,… Hoặc các trường hợp mẹ bị nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu, bị nhiễm các virus ác tính như quai bị, sốt rét, giang mai,… thì cũng ảnh hưởng tới thai nhi và gây ra tình trạng sảy thai.
- Do mẹ bị thiếu hụt progesterone: Đây là một hormone rất quan trọng và cần thiết cho quá trình mang thai. Tuy nhiên, nhiều sản phụ do cơ thể bạn bị thiếu loại hormone này trong những tuần đầu của thai kỳ mà lại không biết để bổ sung nên cản trở quá trình phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, khi sản phụ có tuổi lớn hơn 40 tuổi, có tử cung dị dạng… và một số nguyên nhân khác như sử dụng chất kích thích, uống thuốc bừa bãi,… cũng làm tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai.
3. Rối loạn nhịp tim ở thai nhi
Đây là một trường hợp ít gặp, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra với bất cứ sản phụ nào. Đó là tình trạng thai nhi bị rối loạn nhịp tim, cụ thể hơn là nhịp tim của thai nhi lúc nhanh, lúc chậm, thậm chí có lúc ngưng lại đột ngột trong một thời gian ngắn. Do đó dẫn đến hiện tượng lúc siêu âm thai nhất thời có thể không thấy tim thai và khi siêu âm lại thì lại thấy tim thai xuất hiện.
4. Do thiết bị siêu âm
Nguyên nhân không thấy tim thai cũng có thể là do thiết bị siêu âm. Tuy nhiên, tại một số phòng khám thiết bị có thể bị trục trặc hoặc do thao tác của bác sĩ siêu âm nên không phát hiện tim thai. Lúc này, bạn nên tới một, hai phòng khám hoặc bệnh viện để siêu âm lại để chắc chắn về kết quả.
Cách xử lý khi siêu âm không có tim thai
Chắc chắn rằng, bất cứ sản phụ nào khi đón nhận kết quả siêu âm là chưa có tim thai thì sẽ đều rất hoang mang và lo lắng. Tuy nhiên, lúc này bạn phải thật bình tĩnh và tìm đến những biện pháp điều trị và chuẩn đoán chính xác nhất nhé.
Trường hợp nếu mới mang thai ở tuần thứ 6 – tuần thứ 8, thì bạn hãy cứ bình tĩnh, đừng vì quá lo sợ mà sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến em bé. Vì có thể ở những tuần thai này, em bé còn quá nhỏ nên tim thai chưa xuất hiện. Các bác sĩ sản khoa sẽ cho bạn lời khuyên cụ thể và hẹn khám lại vào khoảng 1 tuần hoặc 2 tuần sau.
Tuy nhiên, khi đến 12 tuần tuổi mà siêu âm vẫn không thấy tim thai thì khả năng cao là thai đã bị chết lưu. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm như: định lượng HCG để xem nồng độ ra sao, có phải thai đã chết lưu hay không. Trong trường hợp thai đã bị chết lưu thì bác sĩ sẽ dựa trên kích thước, tuổi thai mà thực hiện những phương pháp thích hợp để đình chỉ thai kỳ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn.
Bên cạnh đó, nếu siêu âm ở 1 phòng khám hoặc 1 bệnh viện thì có thể kết quả chưa chắc chắn. Bạn hãy tới một bệnh viện hoặc một phòng khám khác uy tín, để được siêu âm và xét nghiệm lại cho chính xác trước khi có các quyết định tiếp theo.
Trong trường hợp xấu nhất là bạn phải đình chỉ thai, bạn hãy tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó, bạn cần một thời gian để phục hồi lại sức khỏe về thể chất thật tốt để chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo. Thường thì phải ít nhất sau 3 tháng thì bạn mới nên mang thai trở lại được.
Sau đó, có thể bạn nên tới gặp bác sĩ để làm một số xét nghiệm máu, khám sức khỏe tổng quát, làm xét nghiệm nhiễm sắc thể của cả vợ và chồng để tìm nguyên nhân không có tim thai. Nếu biết được nguyên nhân, ví dụ là bệnh mãn tính, nhiễm virus, bị bất thường về nhiễm sắc thể thì bạn nên giải quyết triệt để nguyên nhân trước khi quyết định mang thai lại lần tiếp theo.
Có thể nói, hành trình làm mẹ là một quãng thời gian thiêng liêng, vừa hạnh phúc và cũng nhiều lo lắng, trong đó, hiện tượng không có tim thai chỉ là một trong vô vàn vấn đề khi mang thai. Không ai mong muốn rằng đứa con bé bỏng mới hình thành của mình sẽ gặp phải điều không hay, nhưng nếu điều không may mắn đó xảy ra, bạn đừng tự đổ lỗi cho mình, hãy nghỉ ngơi, dưỡng sức khỏe thật tốt để chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo thật khỏe mạnh nhé! Chúc tất cả các mẹ bầu luôn khỏe mạnh và suôn sẻ trên hành trình đem bé đến với mình nhé!